Thật ra đây là hoạt động hết sức bình thường của IWF khi năm nào tổ chức này cũng công bố một danh sách lên đến hàng trăm VĐV của nhiều quốc gia được đánh giá có tiềm năng đoạt huy chương ở các giải đấu quốc tế, cần được kiểm tra gắt gao để bảo đảm sự trong sạch cho các giải đấu. Căn cứ theo danh sách này, IWF cùng với Tổ chức Phòng chống doping quốc tế (WADA) có thể phối hợp kiểm tra doping vào bất cứ thời gian nào với các VĐV.
Trong danh sách cần được giám sát năm 2020 của IWF, 272 VĐV cử tạ hàng đầu của tất cả châu lục và Việt Nam có 4 lực sĩ gồm Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Đỗ Tú Tùng và Nguyễn Ngọc Trung. Tại World Cup cử tạ diễn ra cuối tháng 1-2020, Thạch Kim Tuấn đoạt 3 HCV hạng 61 kg nam và Vương Thị Huyền giành 2 HCĐ ở hạng 49 kg nữ. Còn chàng lực sĩ trẻ sinh năm 2004 Đỗ Tú Tùng giành 3 HCV, lập 3 kỷ lục trẻ hạng dưới 49 kg nam tại giải Cử tạ trẻ thế giới 2019 và tại giải Cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á cùng năm, Tùng giành đến 4 HCV, phá 2 kỷ lục châu Á ở hạng 55 kg.
Theo quy định của IWF, ngoài 4 thời điểm kiểm tra thường kỳ (tháng 12-2019 và tháng 3, tháng 5, tháng 9-2020), tổ chức này vẫn có thể cử chuyên viên đến từng quốc gia vào bất kỳ thời gian nào để lấy mẫu kiểm tra.
Việc thường xuyên kiểm tra giúp IWF phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm. Tại khu vực Đông Nam Á, 2 quốc gia có phong trào cử tạ phát triển như Thái Lan và Malaysia, thường xuyên bị kiểm tra cũng như liên tục nhận các án phạt nghiêm khắc. IWF cấm cử tạ Thái Lan không được tham dự các giải quốc tế trong vòng 3 năm, bao gồm cả 2 kỳ SEA Games 30 và 31. Malaysia cũng không có cơ hội tranh tài cử tạ tại SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai vì án cấm thi đấu 1 năm.
Hiện tại, do tác động của dịch Covid-19, kế hoạch tham dự các giải đấu châu Á và thế giới nhằm tranh suất đến Olympic Tokyo 2020 của đội tuyển cử tạ Việt Nam phải thay đổi. Niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam tập trung vào 3 hạng cân, gồm 61 kg nam (Thạch Kim Tuấn), 49 kg nữ (Vương Thị Huyền) và 59 kg nữ (Hoàng Thị Duyên).
P.D