Đào tạo tài năng thể thao thành tích cao: Xác định rõ mục tiêu tránh lãng phí

Đào tạo tài năng thể thao thành tích cao: Xác định rõ mục tiêu tránh lãng phí

20-05-2020 21:09 | 0 bình luận
Chiều 20/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục TDTT, các đơn vị liên quan và các trường, đơn vị đào tạo TDTT nhằm tiếp tục hoàn thiện những nội dung xung quanh Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”. Ngoài ra, một số vấn đề trong đào tạo VĐV, HLV, cán bộ thể thao thành tích cao cũng được các đại diện bàn luận.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định: Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” được ban hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của TTVN ở trên nhiều phương diện, từ công tác huấn luyện, khoa học Thể dục Thể thao đến công tác đào tạo. Do đó, nếu Đề án được triến khai thực hiện càng sớm thì sẽ mang lại nhiều tín hiệu vui cho toàn ngành Thể dục Thể thao.

Theo báo cáo từ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, hiện Tổng cục đã phân tách rõ 16 môn (nhóm môn thể thao trọng điểm) trong số 32 môn thể thao được lựa chọn của Đề án để xây dựng các quy trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành Thể dục Thể thao. Cùng với đó, Tổng cục TDTT đang phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát một số địa điểm tập huấn nước ngoài để đưa VĐV Việt Nam sang đào tạo được phù hợp và đạt kết quả tốt nhất. Dự kiến, 3 quốc gia được ngành hướng tới khảo sát và dự kiến đưa VĐV Việt Nam sang đào tạo là Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong công tác đào tạo, theo PGS.TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Tp. Hồ Chí Minh, ngành Thể dục Thể thao hiện đang rất thiếu những chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực của thể thao. “Chúng ta muốn đào tạo tốt nhưng lại thiếu người giỏi, đứng đầu chuyên môn ở một lĩnh vực cụ thể. Nhất là chuyên gia trong tâm lý thể thao, huấn luyện thể thao và khoa học thể thao. Chỉ khi nào có sự một sự đào tạo chuyên biệt, hội tụ đủ những yếu tố cần thiết của một nền thể thao chuyên nghiệp, chúng ta mới tăng cường được sự kết nối với thể thao quốc tế”.

Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn đưa ra quan điểm: để công tác đào tạo cán bộ quản lý thể thao đạt trình độ cao, thì 3 trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh cần xác định rõ nhu cầu của trường đang thiếu để từ đó lựa chọn cán bộ được cử đi đào tạo có đủ tố chất, đúng với yêu cầu.  Có như vậy, mới mang lại hiệu quả thực sự và tránh lãng phí.

Nhất trí với các quan điểm và kiến nghị của các thành viên dự họp trong việc xây dựng các kế hoạch triển khai Đề án trong thời gian tới. Phát biểu, chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao những nỗ lực trong hoàn thiện Đề án của Tổng cục Thể dục Thể thao. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý Đề án vẫn cần chỉnh sửa, bổ sung các yêu cầu để phù hợp với thực tiễn. Với sự phức tạp và quy mô, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu Tổng cục TDTT xem xét đây như là một dự án và thành lập ban quản lý dự án để tăng cường tính liên kết giữa các đơn vị; xây dựng và triển khai hiệu quả các nội dung.

Quang Anh

Tin tức mới nhất