Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án tổ chức giao thông đô thị giai đoạn 2020 - 2025; Đề án xây dựng TP Hải Dương xanh, thân thiện, an toàn; Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ và mô hình chợ đêm. Đầu tư, quản lý hạ tầng đô thị, dịch vụ công ích theo phương thức đặt hàng, đấu thầu và xã hội hóa.
Thực hiện xã hội hóa và giao về phường, xã quản lý, bảo trì vận hành các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vườn hoa, cây xanh và một số tuyến đường giao thông. Tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm, từng bước hạ ngầm đồng bộ các công trình cấp điện, cấp nước, cáp thông tin liên lạc, điện chiếu sáng; trồng mới, bổ sung, thay thế cây xanh đô thị và cải tạo hệ thống ao, hồ, sông trong thành phố. Từng bước cải tạo hoặc di chuyển các khu tập thể cũ đã xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người dân và tạo quỹ đất xây dựng đô thị hiện đại, các công trình phục vụ lợi ích công cộng.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, theo quy hoạch, Thành phố định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng "ngôi sao" với cấu trúc đa cực hướng tâm, với khu trung tâm được hỗ trợ, tương tác bởi 5 khu vực đặc thù. Cụ thể, với khu vực chức năng thứ nhất ở phía Bắc tập trung ở các xã An Châu và Thượng Đạt, theo quy hoạch sẽ phát triển các khu đô thị sinh thái. TP Hải Dương coi trọng môi trường, không gian xanh, sạch và dự tính phát triển du lịch dọc sông Thái Bình.
Với phân khu chức năng thứ 2 là khu công nghiệp sạch và chất lượng cao lấy khu Công nghiệp Nam Sách là trung tâm gồm phường Nam Đồng, Ái Quốc và xã Quyết Thắng, Tiền Tiến. Khu chức năng thứ 3 và thứ 4 là các xã Liên Hồng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn. Đây là những xã vừa được đưa về thành phố sẽ được xây dựng thành các khu nông nghiệp an toàn, các khu chế xuất và dự trữ nông sản.
Phân khu chức năng thứ 5 sẽ phát triển công nghiệp công nghệ cao trong đó lấy công nghiệp Đại An và KCN An Phát Complex làm trung tâm và định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ mở rộng trung tâm đô thị ra phía Nam của sông Sặt là động lực để phát triển thành phố.
Thành phố hết sức quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa nhất là các làng nghề. Thành phố hiện có 3 làng nghề truyền thống là nghề mộc Đức Minh, Nguyễn Xá và bánh đa Lộ Cương. Các làng nghề này đang phát triển và tạo công ăn việc làm và quan trọng hơn là giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống cho mỗi vùng miền của thành phố Hải Dương. Mặc dù điều kiện đất đai của thành phố hạn hẹp nhưng thành phố hỗ trợ tối đa về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất cho làng nghề phát triển.
TP Hải Dương có chủ trương sử dụng các sản phẩm làng nghề để quảng bá, giới thiệu tới người dân và du khách; Tháo gỡ khó khăn cho các hộ cá thể và kết hợp cải tiến những dịch vụ để năng suất vẫn đảm bảo, mẫu mã bắt mắt, phù hợp thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng đặc biệt là xử lý tốt nước thải làng nghề để có môi trường sống và phát triển tốt.
Ngọc Huyền