Việt Nam đang trở thành nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển khi hàng năm đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em.
Thông thường, các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, 2020 là năm hoàn toàn khác biệt, đại dịch Covid-19 hiện diễn biến phức tạp, trẻ tạm thời nghỉ học, ở nhà để phòng tránh dịch bệnh. Nhiều cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cho rằng khi trẻ ở nhà thì sẽ an toàn hơn nhưng thực tế trong tháng 3-2020, đã có nhiều trẻ em bị đuối nước được báo chí phản ánh.
Trước tình hình đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu, tổ chức Hue Help, và UNICEF Việt Nam ra mắt ấn phẩm phòng chống đuối nước cho trẻ em trong mùa dịch COVID-19. Đây là ấn phẩm dành cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.
Theo đó, để bảo vệ trẻ khỏi tai nạn đuối nước, cha mẹ, người giám sát trẻ cần xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ (giếng, ao hồ, sông suối, cánh đồng lúa, các kênh, rạch thủy lợi, cống thoát nước, bồn tắm, chậu tắm, lu nước, hồ bơi, bãi biển).
Cha mẹ, người giám sát trẻ cần làm rào chắn hoặc nắp đậy an toàn giúp ngăn trẻ tiếp cận các nguồn nước mở (như ao, mương, hố nước, giếng nước, lu nước, hố ga cống...). Rào chắn, nắp đậy có thể làm từ các vật liệu sẵn có như tre, gỗ... nhưng phải an toàn, không gây thương tích cho trẻ, phù hợp với lứa tuổi và chiều cao của trẻ. Luôn đóng cửa, khóa an toàn và rào chắn ở khu vực xung quanh nhà, khu vực trẻ chơi, nhà tắm, khu vệ sinh hoặc bể bơi trong khuôn viên. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, để trẻ trong cũi an toàn là biện pháp hiệu quả, không chỉ giúp trẻ phòng tránh đuối nước mà còn các nguy cơ thương tích khác như bỏng, ngã, hóc dị vật.
Trẻ em cần được giám sát bởi người lớn có đủ năng lực hành vi khi trẻ ở gần nguồn nước mở. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ luôn ở bên cạnh trẻ nhỏ, luôn để trẻ trong tầm quan sát của mình, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Hãy dạy trẻ về nguyên nhân và những nguy cơ đuối nước. Giúp trẻ nhận thức rõ không chơi hoặc đến gần các nguồn nước mở, trừ khi được người lớn giám sát; nếu thấy ai đó gặp đuối nước, trẻ cần gọi người lớn ngay lập tức. Nếu không, giúp đỡ bằng cách đưa sào, gậy hoặc quăng dây, vật nổi như chai nước rỗng cho người gặp nạn, tuyệt đối không xuống nước để cứu người bị nạn.
Trong trường hợp khẩn cấp hãy liên hệ:
- CẤP CỨU: 115
- TỔNG ĐÀI QUỐC GIA BẢO VỆ TRẺ EM: 111
Hoài Anh