Clip tổng kết cuộc vận động: https://youtu.be/Kn40L-KQGz4
Thực hiện đường lối phát triển TDTT trong thời kỳ đổi mới, ngày 01 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết 08/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2012 -2020”.
Hưởng ứng Cuộc vận động, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” vào dịp tháng 3 hàng năm nhân kỷ niệm Ngày thể thao Việt Nam. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập TDTT.
Đồng thời vận động nhân dân hưởng ứng, lựa chọn cho mình môn thể thao, hình thức tập luyện TDTT phù hợp với điều kiện sức khỏe để rèn luyện hằng ngày. Ngày Chạy năm 2015, 2016 có trên 4 triệu người tham gia. Từ năm 2017 đến nay, Ngày chạy hàng năm có hơn 6 triệu người tham gia chiếm tỷ lệ trên 7% tổng số dân và đạt trên 86% cơ sở xã, phường, thị trấn tổ chức.
Thông qua sự kiện Ngày chạy và hưởng ứng Cuộc vận động, phong trào TDTT phát triển rộng rãi trong các đối tượng và kết quả cụ thể như sau:
Công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học ngày càng được đổi mới và nâng cao chất lượng:
- Số trường học thực hiện đầy đủ chương trình nội khóa đạt 100%;
- Tỷ lệ HSSV thực hiện chương trình GDTC chính khóa đạt 95%;
- Tỷ lệ HSSV được đánh giá và phân loại thể lực đạt 86.9%;
- Tỷ lệ HSSV đạt tiêu chuẩn rèn luyện theo quy định đạt 85%;
- Tỷ lệ HSSV tham gia tập luyện thể dục, thể thao ngoại khóa đạt 83,5%.
- Từ năm 2016 -2020, tổ chức 36.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi là 3.603.955 em; Tỷ lệ trẻ em biết bơi tăng từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2019. Tỷ lệ tử vong là 3.000 trẻ em năm 2015 đã giảm xuống dưới 2.000 em trong những năm 2019 và 2020.
Phong trào TDTT trong quân đội nhân dân và dân quân tự vệ ngày càng được quan tâm và phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đảm bảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Tỉ lệ cán bộ chiến sỹ tập luyện TDTT thường xuyên đạt 98,1%;
- Tỉ lệ đơn vị thực hiện tốt các hoạt động TDTT thường xuyên là 98%.
- Số cán bộ, chiến sĩ được kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể đạt 95%;
- Tỉ lệ cán bộ chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt 96%.
Phong trào TDTT trong lực lượng Công an nhân dân ngày càng được chú trọng, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ nâng cao sức khỏe, thể lực, rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Tỷ lệ đơn vị đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định:96%;
- Tỷ lệ cán bộ chiến sĩ tham gia rèn luyện thể lực theo quy định: 98%;
- Tỷ lệ cán bộ chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định: 96%;
- Tỷ lệ đơn vị tổ chức hoạt động TDTT thường xuyên khoảng 90%;
- Tỷ lệ cán bộ chiến sĩ tập luyện TDTT thường xuyên đạt 98,1%.
- Hàng năm tổ chức gần 300 giải, hội thi TDTT và tham gia hàng nghìn giải thể thao do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Khối công nhân viên chức, lao động tham gia luyện tập và thi đấu thể thao ngày càng ngày nhiều và phổ biến nhất là các môn bóng bàn, quần vợt, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, yoga, khiêu vũ thể thao, đặc biệt là phong trào thể dục giữa giờ, thể dục phòng chống mệt mỏi được biên soạn theo đặc điểm ngành, nghề, điều kiện lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khối văn phòng và khối nghề nghiệp đặc thù.
Phong trào Người cao tuổi gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động TDTT ngày càng phát triển. Toàn quốc hiện có trên 37.000 câu lạc bộ TDTT Người cao tuổi; Tỉ lệ người cao thuổi tham gia các hoạt động TDTT ở khu vực nông thôn trên 30%, ở khu vực thành thị trên 68% tổng số người cao tuổi. Hằng năm, giải thể thao Người cao tuổi toàn quốc thu hút trên 3.000 người tham gia như các giải: Cầu lông, Bóng chuyền hơi, cờ tướng, Hội thi bơi, Bóng bàn gia đình. Các địa phương tổ chức Hội thi TDTT, Hội thao thể dục dưỡng sinh, giải thể thao các môn: cờ tướng, xe đạp, bóng bàn, cầu lông, khiêu vũ thể thao, bóng chuyền hơi, bơi. Các hoạt động TDTT giúp Người cao tuổi lạc quan, vui khỏe, phòng chống bệnh tật, đồng thời là tấm gương để các thành viên trong gia đình, các thế hệ Thanh thiếu nhi noi theo.
Đối với Người khuyết tật, thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo, xây dựng các công trình TDTT giúp cho người khuyết được tiếp cận và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Hiện toàn quốc có 35 tỉnh/thành phát triển phong trào TDTTcho người khuyết tật, trong đó có 20-25 tỉnh/thành thường xuyên hoạt động có nề nếp và có các câu lạc bộ TDTT của người khuyết tật.
Các hoạt động thể thao cơ sở, thể thao dân tộc và phong trào TDTT vùng nông thôn được tổ chức sôi nổi, đa dạng, phong phú với các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, các môn võ,... thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Công tác bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được chú trọng như: Võ cổ truyền, vật dân tộc, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bắn ná, lân sư rồng, tu lu, tung còn, đánh quay, tó má lẹ,... Các môn thể thao mới, môn thể thao giải trí được quan tâm phát triển như môn: Ô tô địa hình, Câu cá, Dù lượn, Vũ đạo giải trí, Esport, Patin, Mô tô nước, Leo núi thể thao, Diều bay có động cơ.
Các hoạt động này đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia. Có thể nói, phong trào TDTT quần chúng trong những năm qua đã phát triển không ngừng, thể hiện thông qua sự gia tăng về 06 tiêu chí như sau:
1) Năm 2010, tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên đạt 23,6% dân số; năm 2015 đạt 28,3%; năm 2019 đạt 33,6 %; năm 2020 đạt khoảng 34,4%, so với quy hoạch vượt chỉ tiêu là 1,4%.
2) Năm 2010, tỷ lệ gia đình tập TDTT thường xuyên đạt 15,8 % tổng số hộ gia đình; năm 2015 đạt 21,1 %; năm 2019 là 25%; năm 2020 là gần 25,6%, so với quy hoạch vượt chỉ tiêu là 0,4%.
3) Số cộng tác viên TDTT cơ sở trên toàn quốc được tăng lên hằng năm, đến nay có 66.294 người.
4) Năm 2015 có trên 50.000 câu lạc bộ TDTT; năm 2019 có trên 57.000 câu lạc bộ TDTT cơ sở và gần 16.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT.
5) Toàn quốc có khoảng 115.693 công trình TDTT, trong đó sân vận động là 8.281, nhà tập luyện và thi đấu 9.380, gần 5000 bể các loại, sân bóng đá mini, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, quần vợt 79.539, các sân thể thao khác 14.034.
6) Hàng năm, các đơn vị, cơ sở tổ chức khoảng 50.000 giải thể thao. Năm 2014, Đại hội TDTT cơ sở có 98,5% xã, phường, thị trấn tổ chức; Đại hội TDTT cấp huyện có 99,8% quận, huyện, thị xã tổ chức; Đại hội TDTT cấp tỉnh có 100% tỉnh, thành tổ chức; Năm 2018, Đại hội TDTT cơ sở có 99,56% xã, phường, thị trấn tổ chức; Đại hội TDTT cấp huyện có 99,5% quận, huyện, thị xã tổ chức đạt 99,5% và Đại hội TDTT cấp tỉnh có 100% tỉnh, thành tổ chức.
Nhờ có phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ đã làm nền tảng nâng cao thành tích thể thao Việt Nam trong những năm gần đây tại các giải thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Điển hình như thành tích huy chương vàng tại Olympic 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh; Thành tích huy chương bạc vòng chung kết U23 châu Á của đội tuyển Bóng đá Nam U23 Việt Nam tại Thường Châu – Trung Quốc; HCV bóng đá Nam và Nữ tại SEA Games 30 - 2019 hay hành tích đứng thứ 2 của Đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ SEAGames này. Và còn nhiều rất nhiều thành tự to lớn khác…
Minh Anh