Với tổng diện tích hơn 300ha, khu Trung tâm thể thao Thiên Mã đã dành một phần lớn diện tích để quy hoạch cho các hoạt động liên quan đến Cưỡi ngựa như: Trường đua ngựa, trung tâm huấn luyện ngựa, khu trang trại nuôi và nhân giống ngựa thuần chủng, khu cách ly thú y, quản lý theo dõi hộ tịch ngựa thuần chủng, sân thi đấu polo, sân trình diễn ngựa nghệ thuật và nhảy vượt rào, đường chạy băng đồng đạt chuẩn thi đấu quốc tế.
Trên thế giới, bộ môn thi đấu Cưỡi ngựa đã được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của Thế vận hội Olympic kể từ năm 1912. Với ASIAD, thi đấu Cưỡi ngựa được đưa vào hệ thống thi đấu từ năm 1982. Còn tại Đông Nam Á, bộ môn này lần đầu đưa vào thi đấu tại SEA Game 1983. Hiện Liên đoàn Cưỡi ngựa Châu Á (Asian Equestrian Federation – AEF) có 35 quốc gia thành viên. Trong đó, khu vực Đông Nam Á có 8/11 nước (trừ Việt Nam, Lào, Đông Timo) tham gia.
Việc ra mắt Câu lạc bộ Cưỡi ngựa Olympic là hoạt động nằm trong chuỗi kế hoạch chuẩn bị cho sự phát triển bộ môn Cưỡi ngựa tại Việt Nam để Việt Nam có thể gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa quốc tế (FEI) và Liên đoàn Cưỡi ngựa châu Á (AEF), tham gia thi đấu tại các kỳ SEA Games và Asiad.
Câu lạc bộ Cưỡi ngựa Olympic đã đầu tư mua trên 100 con ngựa thuần chủng cũng như mở các lớp đào tạo nhân viên chăm sóc, huấn luyện và đua ngựa. Dự kiến Câu lạc bộ sẽ tuyển sinh, lựa chọn những vận động viên có năng khiếu Cưỡi ngựa để đưa đi đào tạo chuyên nghiệp tại nước ngoài.
Câu lạc bộ Cưỡi ngựa Olympic được thành lập với mục tiêu là góp phần đưa nền thể thao nước nhà hội nhập với thế giới và khu vực; đồng thời bày tỏ mong muốn được sự đồng thuận của xã hội, của Trung ương, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương đối với bộ môn này, tạo điều kiện cho những người yêu thích cưỡi ngựa tại Việt Nam có cơ hội xem và thi đấu.
Về mặt chủ trương, hiện nay Chính phủ đã cho phép đặt cược, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc như về cơ chế chính sách thuế, mức độ đặt cược, khó khăn về cơ chế, cơ sở vật chất còn hạn chế, bộ môn này đòi hỏi diện tích đất phải rộng lớn: “Cưỡi ngựa là bộ môn thể thao có cơ sở phát triển. Trong thời gian tới, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ cùng với các đơn vị chức năng xem xét, đánh giá, tham mưu cho cấp trên để tìm cách tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách giúp bộ môn này thực sự phát triển, phát huy hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch cũng như kinh tế thể thao nước nhà” – Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng chia sẻ.
Mai Hoa