Erik Cordes, phó giáo sư sinh học trường Đại học Temple, Mỹ, công bố kết quả nghiên cứu "vùng hồ" có thể gây chết người dưới đáy biển vịnh Mexico trên tạp chí Oceanography, Science Alert hôm 27/10 đưa tin.
"Đây là điều ngạc nhiên nhất ở vùng biển sâu, khi bạn lặn xuống đáy đại dương và nhìn thấy một vùng hồ hoặc một con sông đang chảy. Nó khiến bạn có cảm giác như đang ở thế giới khác", Cordes trả lời Seeker.
Theo các nhà khoa học, trong thời kỳ kỷ Jura, 200-145,5 triệu năm trước, có một vùng biển nông tồn tại ở vị trí vịnh Mexico ngày nay. Khi các mảng kiến tạo tiếp tục dịch chuyển, vùng biển này bị tách ra khỏi phần còn lại của đại dương. Nhiệt độ rất nóng khi đó khiến vùng biển bị cô lập bắt đầu bốc hơi, để lại một lượng muối lớn.
Nó sau đó bị ngập nước và một lần nữa kết nối với các đại dương trên thế giới. Tuy nhiên, lớp muối dày hàng kilometer đã bị che phủ bởi lớp trầm tích không thể hòa tan. Trong khi trọng lượng của nước biển nén số muối này xuống, một phần muối bị đẩy trở lại lên trên đáy biển thông qua quá trình gọi là "kiến tạo muối". Muối sau đó tiếp xúc với nước biển, hòa tan và tạo thành vùng nước muối nằm dưới đáy biển.
Kết quả đo lường cho thấy, nước trong "hồ dưới biển" ở vịnh Mexico mặn gấp 5 lần vùng nước xung quanh. Ngoài ra, nó còn chứa hàm lượng độc tố cao của khí metal và hydrogen sulphide, do đó không thể trộn lẫn với vùng biển xung quanh.
Nồng độ độc tố ở đây có thể làm chết người và động vật khi bơi vào. Chỉ có vi khuẩn, sâu ống và tôm có thể sống trong môi trường này.
Đây là địa điểm nghiên cứu thú vị đối với các nhà khoa học. Họ có thể tìm hiểu cách một số sinh vật tồn tại trong điều kiện sống khắc nghiệt ở đây.
"Rất nhiều người coi những nơi có điều kiện sống khắc nghiệt trên Trái Đất là kiểu mẫu cho thứ mà chúng ta có thể tìm thấy khi tới hành tinh khác", Cordes nói.