Chiếc “tủ lạnh” không cần điện giúp người nông dân châu Phi bảo quản thực phẩm

Chiếc “tủ lạnh” không cần điện giúp người nông dân châu Phi bảo quản thực phẩm

15-06-2018 15:59 | 0 bình luận
Với khí hậu nóng quanh năm ở châu Phi, việc sở hữu một vật dụng cần thiết như một chiếc tủ lạnh để bảo quản thực phẩm là một điều xa xỉ. Vì vậy, một phát minh mang tính đột phá của giáo viên người Nigeria, Mohammed Bah Abba, cho ra đời một dạng cách lưu trữ thực phẩm rất tốt, đã giúp cải thiện một phần cho đời sống của người dân các nước châu Phi đỡ khó khăn.

PHÁT MINH CHIẾC “TỦ LẠNH” ĐẶC BIỆT KHÔNG CẦN CẮM ĐIỆN

Nhiệt độ khí hậu khắc nghiệt và cái nắng như thiêu đốt ở châu Phi, từ rau củ, trái cây đến các loại thịt cá thường chỉ lưu trữ được trong nhà chưa đến một tuần là hư hỏng.

Thấy được cuộc sống thiếu thốn và khổ cực của những người dân nơi đây, Mohammed đã phát minh ra một công cụ giữ lạnh không cần điện mà có thể tăng thời gian bảo quản thực phẩm từ vài ngày lên đến vài tuần.

Mohammed sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm đồ gốm. Cuối những năm 90, dựa trên ý tưởng cổ xưa của chiếc bình gốm giữ nước lạnh, ông đã chế tạo ra chiếc “tủ lạnh” đặc biệt: Hai chiếc bình gốm to nhỏ được lồng vào nhau, khoảng trống giữa hai bình sẽ được đổ đầy cát ướt, thực phẩm được trữ trong bình gốm nhỏ và đậy lại bằng một tấm vải ướt.

Chế độ hoạt động của hệ thống làm lạnh này hoàn toàn đơn giản. Đặt chiếc bình ở nơi khô, thoáng gió. Khi nước trong cát bốc hơi sẽ làm lạnh chiếc bình nhỏ đựng thực phẩm. Nhiệt độ lúc này có thể hạ xuống đến 4 độ C.

Theo như thử nghiệm, chiếc bình trữ lạnh của Mohammed có thể giữ cho cà tím tươi ngon đến 27 ngày, thay vì họ chỉ để được tối đa là 3 ngày ở nhiệt độ bình thường.

Hệ thống làm lạnh của Mohammed đã giúp những người nông dân có khả năng lưu giữ thực phẩm được lâu và tươi ngon hơn, do đó họ bán nông sản cũng được giá cao hơn.

Ngoài ra khi có chiếc bình trữ lạnh này, người dân những nơi đây sẽ không cần ngày nào cũng phải đi chợ mua thực phẩm nữa, vô cùng tiện lợi mà còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

LUÔN NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG ĐỂ CẢI TIẾN THÀNH QUẢ

Trước khi qua đời vào năm 2010, Mohammed đã liên tục cải tiến phát minh của mình để chúng hoạt động hiệu quả hơn. Ông thậm chí còn bỏ tiền túi riêng để sản xuất hàng loạt khoảng 5000 chiếc bình làm lạnh và phân phát cho người dân tại 5 ngôi làng ở Jigawa. Một thời gian sau, ông lại tiếp tục phát 7000 chiếc bình tương tự cho hàng chục ngôi làng khác.

Phát minh mang tính đột phá của Mohammed có giá thành rẻ đến không thể tin, chỉ từ 2-4 đô la nhưng lại có thể nâng chất lượng cuộc sống của người dân nghèo châu Phi lên một tầm cao mới.

Năm 2000, Mohammed Bah Abba được trao giải thưởng Rolex Award for Enterprise. Tạp chí Time đã từng gọi phát minh bình làm lạnh của Mohammed là một trong những phát minh vĩ đại của năm, cho tới nay chúng đã được sử dụng rộng rãi tại các vùng nông thôn ở Nigeria, Cameroon, Chad, Eritrea, và Sudan.

Tin tức mới nhất