143 triệu người sẽ phải di cư do khí hậu

143 triệu người sẽ phải di cư do khí hậu

15-06-2018 15:50 | 0 bình luận
Ngân hàng Thế giới (WB) cho cho biết đến năm 2050, sẽ có 143 triệu người di cư do khí hậu phải đối mặt với "mối đe dọa hiện hữu" và buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Trong báo cáo mới nhất, WB cho rằng đến năm 2050, sẽ có 143 triệu người di cư do khí hậu phải đối mặt với "mối đe dọa hiện hữu" và buộc phải rời bỏ nhà cửa. Trong số này có khoảng 86 triệu người thuộc vùng Nam sa mạc Sahara tại châu Phi, 40 triệu người dân các nước Nam Á và 17 triệu người Mỹ Latinh. Điều đáng chú ý là hơn 50% trong người di cư này tập trung tại các nước đang phát triển.

Giám đốc điều hành của WB, bà Kristalina Georgieva, nhận định biến đổi khí hậu chắc chắn đã trở thành "động lực của tình trạng di dân," buộc từng người dân, các gia đình, thậm chí cả cộng đồng tìm kiếm nơi cư trú.

Sự biến đối khí hậu gây ra mối đe dọa về sự sinh tồn, xã hội và kinh tế đối với các nước, và nếu có sự vào cuộc mang quy mô toàn cầu nhằm giảm lượng khí phát thải, hàng chục triệu người sẽ không phải rời bỏ nhà cửa.

Theo thống kê của WB, đã có hơn 1 tỷ người dân di cư tại khi vực Nam sa mạc Sahara châu Phi, và con số này có thể tăng lên 2,7 tỷ người trong hơn 4 thập kỷ tới. Điều này đe dọa đến an ninh lương thực bởi nhu cầu lương thực cao trong khi nguồn cung hạn chế.

Hạn chế biến đổi khí hậu và tình trạng di cư

Biến đổi khí hậu đang xảy ra với tốc độ và cường độ mạnh hơn dự đoán ban đầu. Giới hạn an toàn về khí nhà kính trong khí quyển có thể thấp hơn nhiều so với mức chúng ta đã tưởng và chúng ta có lẽ đang tới gần hơn với điểm bùng phát không thể tránh khỏi. Trong khi đó, lượng phát thải khí CO2 toàn cầu đang tăng với mức độ và tốc độ ngày càng cao. Các nỗ lực nhằm giảm phát thải đều quá ít ỏi và muộn màng – theo Báo cáo “Tìm kiếm nơi trú ẩn: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên tình trạng di cư và mất chỗ ở của con người” của Tổ chức Care.

Ảnh hưởng của sự biến đổi về môi trường đối với tình trạng di cư là rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên. Các ước tính hiện tại và dự đoán tương lai về số người buộc phải di cư đang rất cách biệt, dao động từ 25 đến 50 triệu vào năm 2010 cho tới gần 700 triệu vào năm 2050. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đưa ra một con số ở khoảng giữa là 200 triệu người di cư do môi trường vào năm 2050.

Hầu hết những người buộc phải di cư đều tìm kiếm nơi trú ẩn ngay trên đất nước mình, trong khi một số khác sẽ tìm kiếm nơi nương náu tốt hơn bên ngoài biên giới. Sự mất chỗ ở và tình trạng di cư có thể được ngăn chặn bằng cách triển khai các biện pháp thích nghi. Tuy nhiên, các nước nghèo không được trang bị đầy đủ để hỗ trợ thích nghi trên diện rộng.

Kết quả là các cộng đồng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như bị nhốt trong vòng xoáy của sự hủy hoại sinh thái mà ở dưới đáy, các mạng lưới an sinh xã hội sẽ sụp đổ khi những căng thẳng và bạo lực gia tăng. Trong kịch bản xấu nhất nhưng hoàn toàn có thể xảy ra này, các cộng đồng lớn sẽ buộc phải lựa chọn di cư như một cách thức để tồn tại.

Tình trạng di cư và mất chỗ ở liên quan đến khí hậu chỉ có thể giải quyết thành công khi nó được nhìn nhận như một tiến trình mang tính toàn cầu chứ không chỉ là sự khủng hoảng địa phương. Nguyên tắc trách nhiệm chung song cũng có sự khác biệt – cả theo hướng giảm tối thiểu sự mất chỗ ở và cả theo hướng hỗ trợ các trường hợp bắt buộc phải di cư – sẽ là nền tảng cho đàm phán về chính sách và những kết quả tiếp sau đó. Trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ những cộng đồng bị mất chỗ ở không thể chỉ đặt lên vai những quốc gia bị ảnh hưởng.

Phạm vi và mức độ của các thách thức mà chúng ta đang phải vượt qua có thể lớn chưa từng có, song chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với chúng bằng những nguồn lực sẵn có như kiến thức, kỹ năng và sự hợp tác nhằm bảo vệ chân giá trị và các quyền cơ bản của những người đang bị đe dọa bởi nguy cơ mất chỗ ở do biến động môi trường.
    
Các nhà nghiên cứu cho rằng số dân di cư có thể giảm 80% nếu như chính phủ các nước nỗ lực giảm khí phát thải, thúc đẩy quy hoạch phát triển và tăng cường đầu tư vào nghiên cứu tình trạng di dân do khí hậu.

Tin tức mới nhất