2018 thế giới có thể hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai

2018 thế giới có thể hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai

15-06-2018 15:42 | 0 bình luận
Các nhà khoa học dự báo 2018 sẽ là năm có thể hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai nhất trong lịch sử. Trong khi đó Bài viết mới của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các rủi ro về sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu.

Nhiều nhà khoa học cho biết, rất có thể năm 2018 là năm hoạt động núi lửa diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ngọn núi lửa Agung trên đảo Bali (Indonesia) phụt cột tro bụi cao 4000m lên không trung hồi cuối tháng 11/2017 là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.

Trong khi đó, giới nghiên cứu vừa tìm thấy điểm liên quan chặt chẽ giữa tần suất phun trào núi lửa với biến đổi khí hậu. Theo đó, khi Trái Đất ấm lên khiến băng tan chảy, điều này vô hình chung "hạ nhiệt" được những ngọn núi lửa gần biển.

Tuy vậy, các nhà khoc học dự báo, thảm họa đáng sợ bậc nhất trên Trái Đất là động đất cũng có nguy cơ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2018. Động đất hoàn toàn có khả năng gây sóng thần và khiến hoạt động địa chất tại các khu vực núi lửa diễn ra mạnh mẽ hơn.

Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Colorado (Mỹ), trong năm 2018, các thảm họanhư động đất và lũ lụt có khuynh hướng xảy ra nhiều hơn do vòng quay của Trái Đất chậm lại theo chu kỳ. Giới khoa học nói thêm, dù những biến động trên trục quay của Trái Đất chỉ là vài mili giây nhưng lại có tác động làm gia tăng các hoạt động địa chấn dữ dội.

Mọi năm, có khoảng 15-20 trận động đất lớn xảy ra trên thế giới, nhưng riêng năm 2018, con số này có thể lên tới 25-30, đặc biệt là tại các vùng nhiệt đới đông dân cư, khiến hàng tỷ người có nguy cơ bị ảnh hưởng, Theguardian đưa tin.

Ngoài ra, do hiện tượng biến đổi khí hậu làm Trái Đất ấm dần lên, gây băng tan và mực nước biển tăng cũng khiến nhiều khu vực hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, bất thường; đi kèm là các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lạnh giá...

Biến đổi khí hậu gây nhiều nguy cơ đối với trẻ em

Bài viết của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ cảnh báo biến đổi khí hậu đang “đe dọa đảo ngược những thành tựu đã đạt được về sức khỏe trẻ em và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ trên toàn cầu trong 25 năm qua”.

Tất cả mọi người có thể cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu, nhưng các tác giả bài viết cho rằng mức độ cảm nhận sẽ không cân xứng ở trẻ em và người nghèo. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 88% các bệnh do biến đổi khí hậu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Bài viết của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ tập trung vào các nghiên cứu về cách biến đổi khí hậu có thể tác động đến sức khỏe trẻ em và kêu gọi sự chuẩn bị tốt hơn cho trẻ.

Đồng tác giả bài viết, tiến sĩ Kevin Chan, Trưởng khoa Nhi, Đại học Memorial, cho biết những các sự kiện thời tiết như bão Harvey hay Irma có tác động đến sức khỏe trẻ em. Nguyên nhân có thể do sự nhạy cảm với khí hậu của trẻ.

Ví dụ, một số thay đổi về khí hậu có thể tạo điều kiện cho lây truyền bệnh sốt rét. Hay như các diễn biến thời tiết cực đoan có thể phá hủy mùa màng, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm và kéo theo đó là dinh dưỡng ở trẻ.

Trong bài viết, tiến sĩ Chan và đồng tác giả, tiến sĩ Rebecca Pass Philipsborn thuộc Trường Y khoa, Đại học Emory đề cập đến các nghiên cứu về sự dễ tổn thương của trẻ em trước nhiệt độ cực đoan, hạn hán và ô nhiễm không khí.

Tiến sĩ Mona Sarfaty, Giám đốc điều hành Hiệp hội Y khoa về khí hậu và sức khỏe, cho biết trên CNN: “Trẻ nhỏ dễ tổn thương hơn với sự tăng nhiệt khi ô nhiễm không khí bắt nguồn từ đốt nhiên liệu hóa thạch, vì phổi của chúng vẫn đang phát triển. Các hoạt động ngoài trời khiến trẻ em trở thành mục tiêu cho các côn trùng mang các tác nhân gây bệnh”.

Hiện nay có rất ít các nghiên cứu và bằng chứng liên quan đến trẻ em. “Rất nhiều nghiên cứu có phổ rất rộng và tập trung nhiều hơn vào cộng đồng dân cư trưởng thành… Tôi nghĩ cần thêm nghiên cứu trong lĩnh vực này”, tiến sĩ Kevin Chan chia sẻ mong muốn có thêm nhiều nỗ lực để bảo vệ trẻ em khỏi tác động của biến đổi khí hậu.

Tin tức mới nhất