IWF giám sát doping đối với cử tạ Việt Nam

IWF giám sát doping đối với cử tạ Việt Nam

15-04-2020 09:00 | 0 bình luận
Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) vừa cho biết sẽ đưa 7 tuyển thủ của đội tuyển cử tạ Việt Nam vào diện “giám sát đặc biệt” về doping, có thể phải kiểm tra đột xuất bằng nhiều hình thức khác nhau ở bất cứ thời điểm nào.

Kể từ sau vụ việc 2 lực sĩ Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh bị phát hiện dính doping sau đợt kiểm tra đột xuất hồi năm 2018 (cả hai bị cấm thi đấu 4 năm và cử tạ Việt Nam đóng phạt 10.000 USD), IWF đã tăng mức độ giám sát đối với các lực sĩ của Việt Nam trước và sau khi tham dự những giải đấu quốc tế của khu vực, châu lục cũng như thế giới.

Trong số 7 VĐV cử tạ Việt Nam mà IWF “chăm sóc đặc biệt”, có các gương mặt chủ lực như Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền, Ngô Sơn Đỉnh, Nguyễn Tú Tùng, đều đạt thành tích ở giải Vô địch thế giới và giải trẻ thế giới thời gian qua. Theo lý giải của IWF, đây là việc cần thiết nằm trong chiến dịch phòng chống doping chung của thế giới, mà cử tạ là một trong các môn luôn tiềm ẩn nguy cơ dính doping rất cao (cùng với xe đạp, điền kinh, bơi lội và thể dục).

Cử tạ Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sẽ được IWF "chăm sóc đặc biệt".

Trên thực tế, có đến 312 VĐV cử tạ hàng đầu ở các châu lục thuộc diện có thể bị IWF kiểm tra đột xuất trước các giải đấu, bằng cả 2 hình thức mẫu máu và mẫu nước tiểu. Tất nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trên toàn cầu, IWF cho biết chương trình này sẽ chỉ khởi động trở lại một vài tháng tới.

Cũng liên quan đến môn thể thao này, mới đây IWF đã quyết định cấm thi đấu tại SEA Games 31 vào năm 2021 đối với cử tạ Thái Lan, sau khi quốc gia của Đông Nam Á bị phát hiện có nhiều VĐV dính doping trước thềm SEA Games 30 ở Philippines hồi cuối năm 2019. Thái Lan không được phép dự các giải đấu cử tạ quốc tế trong vòng 3 năm, còn Malaysia bị cấm thi đấu 1 năm, tức là cả hai gần như sẽ không có cơ hội xuất hiện ở SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai vào năm 2021. Tại SEA Games 30, cử tạ Việt Nam đã giành được 4 HCV, 5 HCB và 1 HCĐ, dẫn đầu toàn đoàn do quốc gia mạnh là Thái Lan không được cử VĐV tham gia thi đấu.

Cả hai Liên đoàn cử tạ Thái Lan lẫn Malaysia được phép kháng án trong vòng 21 ngày, nhưng theo giới quan sát, khả năng họ được IWF xóa lệnh cấm là không cao vì đã không tuân thủ quy định giám sát VĐV sử dụng chất cấm để nâng cao thành tích thời gian qua.

Do tác động của dịch Covid-19, kế hoạch tham dự các vòng loại châu Á và thế giới nhằm tranh vé đến Olympic Tokyo 2020 của đội tuyển cử tạ Việt Nam phải thay đổi, dù tất cả các thành viên vẫn đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, ông Đỗ Đình Kháng (Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 của Tổng cục TDTT) cho biết sau khi các sự kiện thi đấu quốc tế được phép trở lại, cử tạ sẽ tập trung vào 3 hạng cân để tranh vé, gồm hạng 61kg nam (Thạch Kim Tuấn), 49kg nữ (Vương Thị Huyền) và 59kg nữ (Hoàng Thị Duyên).

Hồi cuối tháng 1-2020, đội tuyển cử tạ Việt Nam thi đấu xuất sắc ở Cúp cử tạ thế giới diễn ra tại Italy dù IWF đã thay đổi các hạng cân, trong đó Thạch Kim Tuấn đoạt 3 HCV hạng 61kg nam (cử giật 132kg, cử đẩy 161kg và tổng cử 293kg), Hoàng Thị Duyên đoạt 3 HCV hạng 59kg nữ (cử giật 97kg, cử đẩy 116kg và tổng cử 213kg), Vương Thị Huyền giành 2 HCĐ ở hạng cân 49kg nữ.

Theo quy định của IWF, mỗi quốc gia chỉ có tối đa 4 VĐV nam và 4 VĐV nữ tham dự môn cử tạ ở Olympic Tokyo 2020, nên dù có VĐV đủ điểm tham dự tại các hạng cân thì các quốc gia cũng phải đưa ra sự lựa chọn riêng.

Tin tức mới nhất