Để vượt qua những khó khăn, đạt được kết quả như mong muốn, mỗi học sinh cần phải nắm được những bí quyết nào?, nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội – ĐH QGHN hướng dẫn giúp thí sinh ôn tập tốt môn Văn.
Thí sinh lưu ý tập trung vào phần văn học Việt Nam từ 1930 trở đi. Trong phần này, yêu cầu đề thi cũng rất cụ thể: học sinh phải nắm vững các kiến thức về giai đoạn văn học, trào lưu văn học, tác giả, tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác để trả lời các câu hỏi dạng câu 2 điểm.
Với câu hỏi thuộc dạng này, thí sinh chỉ cần viết trong khoảng từ 30 đến 50 dòng (hoặc từ 500 đến 600 chữ), tuỳ thuộc vào yêu cầu cụ thể của đề và khả năng nhớ và hiểu kiến thức của học sinh. Những bài viết dài dòng cho dạng câu hỏi này hoàn toàn không cần thiết, vì dù thế nào, bài thi cũng không vượt điểm 2, là khung điểm tối đa cho câu hỏi loại này.
Về mảng kiến thức giai đoạn văn học, trong nội dung hạn chế, chỉ có duy nhất một bài học (Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX), nhưng do đây là một giai đoạn dài, có nhiều biến cố và cũng có những đặc điểm riêng, đề thi cũng có thể chia nhỏ chứ không hỏi toàn bộ giai đoạn.
Chẳng hạn, đề thi chỉ kiểm tra sự hiểu biết của học sinh riêng về giai đoạn văn học chống Pháp (từ 1946 đến 1954); hoặc giai đoạn từ 1955 đến 1964; hoặc nữa, đề thi đại học khối D năm 2009, hỏi thẳng vào một đặc điểm quan trọng của giai đoạn văn học 1945-1975: “Một trong những đặc điểm cơ bản của nền văn học Việt Nam từ năm 1945 đến 1975 là chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Hãy nêu rõ những nét chính đặc điểm trên. Vì thế, cách ôn luyện tốt nhất cho phần nội dung kiến thức này, nên chú ý vào những kiến thức cốt lõi.
Cụ thể, phần kiến thức giai đoạn văn học, cần nhớ được những ý chính như sau:
– Từ 1946 đến 1954, chủ đề bao trùm là ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi tinh thần đoàn kết và tập trung cho kháng chiến chống Pháp.
– Từ 1955 đến 1964, chủ đề chính là xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam. Nhân vật trung tâm là người lao động mới và người chiến sĩ giải phóng.
– Từ 1964 đến 1975, văn học chủ yếu tập trung cho kháng chiến chống Mĩ, giải phóng đất nước, chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở cả hai miền Nam, Bắc.
– Từ sau 1975, đất nước thống nhất, văn học vận động theo khuynh hướng dân chủ hoá, đổi mới về quan niệm của nhà văn, cá tính sáng tạo và phong cách nhà văn được phát huy cao độ. Đặc biệt từ sau năm 1986, văn học Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới. Sự giao lưu, hội nhập với thế giới được đẩy mạnh, góp phần quan trọng trong việc hiện đại hoá văn học nước nhà.
Nhìn chung, khi tiếp xúc với dạng câu hỏi này, học sinh chỉ cần nhớ được những ý cơ bản, trong đó gồm yếu tố bối cảnh xã hội, thành tựu của văn học, tác giả và tác phẩm chính. Mỗi giai đoạn chỉ cần nói được một vài đặc điểm cơ bản là được.
Mảng kiến thức về trào lưu văn học: trong chương trình chỉ có duy nhất bài học: Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh. Đây còn là dạng bài nghị luận văn học. Học sinh có thể thông qua bài học này để nhận biết một bài văn nghị luận văn học nghĩa là như thế nào.
Tuy nhiên, vì vẫn thuộc dạng câu hỏi 2 điểm, chúng ta cũng chỉ cần nhớ và hiểu được tư tưởng cốt lõi của Hoài Thanh, nắm được tinh thần Thơ mới, theo ông là gì? Thơ cũ và Thơ mới khác nhau ở chỗ nào? Hạn chế và đóng góp của cái Tôi Thơ mới?
Về mảng kiến thức tác giả, nên nhớ trong nội dung hạn chế có 5 tác giả được lưu ý sử dụng cho câu hỏi thi thuộc dạng này. Đó là Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tố Hữu và Hồ Chí Minh.
Vì đây cũng là dạng câu 2 điểm, nên khi viết, học sinh cũng phải tự hạn chế dung lượng bài làm của mình. Nên cố gắng viết ngắn, thậm chí bài viết có thể gạch đầu dòng các ý chính mà không bị coi là phạm quy. Tuy nhiên, xung quanh khối kiến thức này, cần phân biệt được hai dạng câu hỏi: hoặc đề chỉ yêu cầu tóm tắt sự nghiệp chính của nhà văn, hoặc hỏi về phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Trong cả hai trường hợp, ta có thể tận dụng các ý của nhau, chẳng hạn, với dạng thứ nhất, nên tập trung kĩ hơn vào các sự kiện ngày tháng, tên tác phẩm, rồi tóm tắt đặc điểm sáng tác; ở dạng thứ hai, nên tập trung nêu đặc điểm phong cách sáng tác của nhà văn, nhưng cũng vẫn cần nhắc qua sự kiện.
Ngoài ra, còn có thể có cả dạng câu hỏi yêu cầu nêu quan điểm nghệ thuật của nhà văn (Quan niệm nghệ thuật của Hồ Chí Minh, Quan niệm nghệ thuật Nam Cao trước cách mạng…); hoặc thông qua một đoạn văn, nhân vật, để phát biểu quan điểm nghệ thuật của nhà văn. Những câu hỏi thuộc dạng này, sách giáo khoa trình bày khá đầy đủ. Học sinh có thể tham khảo trong đó.
Về mảng kiến thức tác phẩm, có ba dạng chính học sinh cần phải nắm được để viết bài:
Thứ nhất, với một số tác phẩm, đề thi có thể yêu cầu tóm tắt cốt truyện (Vợ chồng A phủ, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, Vợ nhặt…), những chi tiết quan trọng trong tác phẩm (Chi tiết đoạn sông Hương ở thượng nguồn được Hoàng Phủ Ngọc Tường so sánh với hai người phụ nữ, đó là những hình ảnh nào? Nhân vật Huấn Cao dặn dò viên quản ngục điều gì sau khi cho chữ ở tác phẩm Chữ người tử tù? Hoàn cảnh nhân vật Mị nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ trong Vợ chồng A Phủ…), giải thích nhan đề tác phẩm (nhan đề Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa…);
Thứ hai, nêu hoàn cảnh ra đời và mục đích sáng tác của nhà văn (Hoàn cảnh ra đời và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc, Hoàn cảnh ra đời và mục đích sáng tác của Tuyên ngôn Độc lập…);
Thứ ba, nêu một hoặc một vài đặc điểm cơ bản nào đó của tác phẩm đã học (Nét đặc sắc nghệ thuật của Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Việt Bắc…). Phần vận dụng kiến thức viết bài cho dạng câu 2 điểm, thực ra không đòi hỏi kĩ năng nhiều. Chỉ cần học sinh hiểu bài học và biết vận dụng đúng cho từng loại câu hỏi.
Nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
Thu Cúc