Cô giáo dạy Văn chỉ thí sinh cách đạt điểm cao trong kỳ thi quốc gia sắp tới
Học sinh cần phải học toàn diện, nắm chắc các kỹ năng làm các dạng bài tương ứng bài học trong chương trình Ngữ văn, chú ý phân bố thời gian làm bài hợp lý.
Sau hơn 22 năm đứng trên bục giảng với bộ môn Văn, lại là tổ trưởng bộ môn Văn của trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, dưới sự dạy dỗ của cô Lê Kim Mai, học sinh chưa bao giờ nói môn Văn là khô khan.
Trước khi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia bắt đầu trong ít tháng tới, cô Mai đã có nhiều hướng dẫn bổ ích, giúp thí sinh đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi quan trọng này.
Nguyên tắc ôn tập: Toàn diện, nắm chắc mục tiêu, cách thức làm bài
Giáo viên hướng dẫn cho học sinh ôn tập, dựa trên bộ đề minh họa, đề thi chính thức của năm 2015. Trong đó, cần thiết phải nhắc học sinh học ôn toàn diện, học mà phải hiểu, nắm vững các kỹ năng làm bài, các dạng bài tập tương ứng với bài học trong chương trình Ngữ văn.
Đặc biệt, cần nhắc nhở học sinh phân bố thời gian làm bài thi hợp lý, trình bày phù hợp với yêu cầu của từng dạng bài, kiểu bài với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Cụ thể:
Đọc hiểu văn bản: Thường là những câu hỏi ở mức độ hiểu biết, hay vận dụng thấp.
Cô Lê Kim Mai trong một giờ dạy bộ môn Văn ở trường Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh (ảnh: P.L) |
Do đó, học sinh cần làm bài thi ngắn gọn, chính xác theo yêu cầu của đề, phải gắn với văn bản, ngữ liệu mà đề đã cho. Học sinh cần chứng tỏ được hiểu biết và khả năng vận dụng của mình, thì mới lấy được trọn điểm.
Đối với câu hỏi yêu cầu viết đoạn: Đây là dạng bài yêu cầu phải vận dụng hay vận dụng cao. Thí sinh viết một đoạn văn, trình bày quan điểm của bản thân theo yêu cầu của đề.
Chú ý đến yêu cầu dung lượng tối thiểu của qui định trong đề thi, tối đa là không được nhiều quá 30%, nhằm tránh mất nhiều thời gian làm. Cần vận dụng thao tác lập luận, bình luận (nêu rõ quan điểm, đưa lý lẽ,, dẫn chứng để bảo vệ quan điểm đã nêu) khi làm bài dạng này.
Câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản: Học sinh cần tham khảo, đáp ứng đươc định hướng chấm điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.
Trong đó, quan trọng nhất là học sinh phải nêu được luận điểm triển khai theo trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai luận điểm, biết kết hợp giữa lý lẽ và đưa dẫn chứng, dẫn chứng phải cụ thể và sinh động thì có thể được tối đa 2 điểm.
Nếu học sinh không mắc lỗi câu, lỗi chính tả, xác định đúng được vấn đề cần nghị luận, mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề, có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo và thể hiện được quan điểm riêng thì có thể được tối đa 1 điểm (mỗi phần 0,25 điểm).
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vài năm gần đây luôn được ra đề thi theo định hướng phát triển năng lực, gắn với thực tiễn của cuộc sống và các vấn đề của xã hội.
Nếu học sinh chỉ có học vẹt, học tủ, không có kỹ năng làm bài, không có năng lực sử dụng ngôn ngữ, không có vốn hiểu biết về các vấn đề của xã hội, văn học thì chắc chắn không thể nào đạt được điểm cao trong kỳ thi quan trọng này.
Muốn có điểm cao, học sinh phải chuẩn bị bài thật nghiêm túc, thi cử trung thực, sau mỗi lần đi thi cần phải có rút ra được những kinh nghiệm cho chính bản thân mình.