Phân loại câu hỏi trong đề thi THPT Quốc gia môn Toán

Phân loại câu hỏi trong đề thi THPT Quốc gia môn Toán

11-04-2016 21:15 | 0 bình luận
Hướng dẫn phân loại các loại câu hỏi trong đề thi THPT Quốc gia năm 2016 và hướng dẫn làm bài từng loại câu hỏi cụ thể như sau:

Đề thi môn Toán THPT quốc gia được chia rõ ràng thành 3 phân khúc:

1. Loại câu hỏi dễ, cơ bản và quen thuộc;

2. Loại câu hỏi cũng quen thuộc, nhưng đòi hỏi phải biến đổi, tính toán;

3. Loại câu hỏi khó,có mức độ tư duy và tích hợp nhiều kiến thức.

Khi ôn tập và làm bài thi, học sinh phải phân loại được 3 loại câu hỏi này; đặc biệt là loại 1 và loại 2, cả về phương pháp, cách trình bày bài toán. Khi làm bài thi, học sinh làm câu dễ trước, làm đến đâu chắc đến đấy. Bí quyết đạt điểm cao là làm đúng các câu làm được, chứ không phải làm được nhiều câu khó.

1. Phân loại câu hỏi dễ, cơ bản và quen thuộc

Phân khúc câu hỏi dễ, cơ bản và quen thuộc (4 - 5 điểm) gồm các kiến thức: Khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm số; bài toán phụ khảo sát hàm số: bài toán tiếp tuyến, tương giao, cực trị; phương trình, bất phương trình Loogarit, mũ;

Giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số trên một đoạn; số phức; nhị thức Niuton, xác suất; tích phân; hình học giải tích trong không gian; lượng giác.

Học sinh yếu, trung bình nên tập trung ôn thi kĩ, cẩn thận các kiến thức, kĩ năng trong phần này trước khi nghĩ đến những phần kiến thức khác.

Phân khúc dễ này chỉ cần ghi nhớ công thức, các dạng bài tập cơ bản là có thể lấy điểm tối đa. Chú ý giành từng điểm trong mỗi bài, dù 0,25 điểm cũng không được bỏ.

Ví dụ, nếu bài xác suất học sinh không làm được trọn vẹn, có thể tính số phần tử không gian mẫu để lấy 0,25 điểm…

2. Phân loại câu hỏi quen thuộc nhưng đòi hỏi biến đổi, tính toán

Phân loại này gồm các kiến thức: Bài toán phụ khảo sát hàm số liên quan đến kiến thức hình phẳng, viet…;

Phương trình lượng giác đòi hỏi biến đổi phức tạp; phương trình, bất phương trình vô tỷ; hình không gian; hình học trong mặt phẳng.

Phân khúc câu hỏi này dành cho những học sinh khá, biết biến đổi, tổng hợp kiến thức và khả năng tư duy tương đối. Các em phải ôn tập kĩ công thức, phương pháp và phải luyện tập nhiều bài tập.

3. Phân loại câu hỏi khó

Phân loại này gồm các kiến thức: Giải hệ phương trình; tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất; chứng minh bất đẳng thức.

Đây là dạng câu hỏi 9, 10 điểm, đòi hỏi tư duy, tổng hợp kiến thức và sự rèn luyện cao.

Với quan điểm ra đề thi như hiện nay, câu tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất và chứng minh bất đẳng thức, học sinh cần nắm vững 2 bất đẳng thức cơ bản (Cô-si và Bunhuacopski) cùng với phương pháp hàm số.

Kỹ năng làm bài thi

Khi vào phòng thi, nếu muốn đạt điểm cao học sinh phải hoạch định cho mình chiến lược làm bài, câu dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó, theo phương châm chắc – đúng – đủ.

Có ý thức kiểm tra từng bước biến đổi. Làm xong một bài, dành khoảng 2 phút xem lại bài đó, nhất định phải có bước này, đừng đợi làm xong hết mới kiểm tra.

Phân định từng phần, định hướng cách làm rõ ràng. Ghi đáp số, kết luận đầy đủ cuối mỗi bài.

Nếu học sinh đã có hướng làm thì không cần nháp, làm thẳng vào bài thi, lỡ sai thì gách chéo phần sai. Lưu ý không nên dùng bút chì vẽ đồ thị hàm số và khối đa diện.

Học sinh không được đầu tư quá nhiều thời gian vào một bài, nếu suy nghĩ và nháp quá 15 phút nên chuyển bài khác.

Thu Cúc

Tin tức mới nhất