Kiến thức nào cho thi?
Việc học và thực hành môn Ngữ văn không nhọc nhằn như nhiều trò nghĩ. Học văn nhàn hơn học các môn Tự nhiên, không cần nhớ nhiều công thức, định lý, không làm hàng ngàn bài tập nhằng nhịt công thức, kí hiệu… Học môn Ngữ văn nhằm hiểu và sử dụng tốt ngôn ngữ tiếng Việt, đọc và hiểu tác phẩm văn chương từ đó chiếm lĩnh các giá trị của cuộc sống để hoàn thiện các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết linh hoạt ứng xử hiệu quả. Nhiều học sinh giành điểm khá giỏi môn này nhờ tích lũy kiến thức và thực hành nghe, đọc, nói và viết. Môn Ngữ văn hiện nay đang gắn với cuộc sống theo hướng thực dụng đọc nhiều, viết nhiều sẽ dần bớt sợ học văn viết văn.
Học văn ôn cấp tốc với cô Hòa tại đây: http://tuyensinh247.com/hoc-truc-tuyen-mon-van-lop-9-c214.html
Những kiến thức cần cho bài thi chủ yếu ở lớp 9. Để viết tốt đoạn văn ngắn, thí sinh không thể quên được những phần kiến thức về tiếng Việt gồm từ vựng, ngữ pháp, liên kết câu, cách trình bày đoạn văn, phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt... Muốn phân tích tác phẩm văn học, thí sinh cần hiểu giá trị tu từ, chi tiết, hình ảnh; nghĩa hàm ngôn và tường minh của từ ngữ cùng với các biện pháp nghệ thuật…Muốn viết xong bài tự luận, các trò không thể bỏ qua các bước phân tích đề, lập dàn ý sơ lược, viết bài và đọc lại rồi hoàn thiện.
Bài thi Văn vào lớp 10 năm 2016 có thể sẽ khác với bài thi năm 2015. Xu hướng đề THPT quốc gia đề cao năng lực hiểu và trình bày ý hiểu trong bài luận bằng ngôn ngữ mẹ đẻ- tiếng Việt, cho nên học sinh THCS cần bám sát cách học và thi mới này. Từ bỏ lối học thuộc văn mẫu và bài ghi chép, thoát khỏi lối viết lệ thuộc vào tài liệu, các trò hãy đọc văn bản, tìm hiểu theo câu hỏi gợi ý để từng bước hiểu chi tiết, hình ảnh.
Đọc một câu thơ, đọc tác phẩm truyện các trò hãy suy ngẫm xem mình hiểu chi tiết này, hình ảnh này thế nào? Câu chữ viết về ai, về việc gì và có cách hiểu nào khác nữa? Nhân vật này được miêu tả thế nào? Những suy nghĩ và hành động ấy giúp hiểu gì về tâm hồn và tình cảm của nhân vật?
Hãy viết thành câu, thành đoạn văn điều mình hiểu. Khi viết cần chú ý chọn lựa từ dùng; chính tả chuẩn xác; sử dụng các dấu câu, dấu phảy. Không viết cẩu thả và nên đọc lại để chỉnh sửa hoàn thiện. Xóa bỏ mặc cảm “không biết, không hiểu, không viết được” bằng việc đọc tài liệu và viết từng câu từng đoạn.
Các trò nên nhớ, không ai tự nhiên nói và viết được trôi chảy (đều do khổ luyện mà nên). Đọc và viết sẽ giúp các trò tự tin vào suy nghĩ và hiểu biết, đánh giá của mình về vấn đề đặt ra trong đề bài.
Bí quyết làm bài
Câu hỏi rất khó với các trò lớp 9 lần đầu tiên phải thi nghiêm túc trong môi trường mới lạ và căng thẳng. Hơn kém 0,25 điểm là đỗ trượt tạo nên sự ganh đua quyết liệt của kỳ thi. Không nên quá lo lắng và hồi hộp mà cần bình tĩnh và tự tin vào hiểu biết của mình.
Giám khảo rất trân trọng bài chữ viết rõ ràng, trình bày mạch lạc, sáng tạo. Hướng dẫn chấm mở sẽ khuyến khích thí sinh thể hiện hiểu biết và vốn ngôn ngữ khi tự luận.
Đề Ngữ văn kiểm tra kiến thức cơ bản và đánh giá khả năng vận dụng diễn đạt sự hiểu biết về vấn đề đời sống và văn học. Cấu trúc đề gồm phần tiếng Việt thực hành (4-5 điểm) và phần nghị luận văn học (6-5 điểm) nên thí sinh cần học đều để làm tốt bài thi.
Thí sinh bình tĩnh thực hiện tốt 5 bước sau:
1. Đọc kỹ để hiểu đúng đề bài. Câu dễ làm trước. Không vội vàng, cẩu thả phần tiếng Việt.
2. Lập dàn ý sơ lược, gạch các nội dung chính bài nghị luận văn học.
3. Luôn tự hỏi và tìm cách trả lời: ai, cái gì, vấn đề gì? Hiểu thế nào? Có cách hiểu khác không? Tại sao?
4. Viết bài, viết đoạn thận trọng chọn từ, viết câu, chính tả.
5. Hoàn thiện bài và nộp bài
Học văn ôn cấp tốc với cô Hòa tại đây: http://tuyensinh247.com/hoc-truc-tuyen-mon-van-lop-9-c214.html
Thu Cúc