Nhiều SVĐ bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu bò hoặc làm chỗ để người dân tập lái xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng... Ít ai nghĩ rằng đến một ngày SVĐ cấp xã sẽ có khán đài, đường chạy giống như SVĐ ở thành phố.
Từ khi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai, các địa phương bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó, quy hoạch, xây dựng SVĐ trung tâm xã bảo đảm diện tích là ưu tiên hàng đầu.
Không chỉ bố trí đủ diện tích đất, chính quyền nhiều xã còn huy động nguồn lực để hiện đại hóa SVĐ như xây thêm khán đài, đường chạy, sân bóng đá, bóng chuyền, nhà thi đấu cầu lông, khu thể thao ngoài trời và một số công trình phụ trợ. Xây dựng SVĐ cấp xã kiểu này đang dần trở thành xu hướng mới, được nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.
SVĐ trung tâm phường An Lạc (TP Chí Linh) được đánh giá là SVĐ cấp xã hiện đại nhất TP Chí Linh hiện nay. SVĐ này được khởi công từ tháng 11.2019 trên diện tích 1 ha. Điều đáng nói là toàn bộ quỹ đất để xây SVĐ phường do người dân ở đây tự nguyện hiến. Công trình đưa vào sử dụng từ tháng 1.2020 với các hạng mục như sân bóng đá, đường chạy, 2 khán đài có sức chứa khoảng 1.000 người.
Trong năm nay, dự kiến SVĐ này sẽ được làm thêm hệ thống dàn đèn chiếu sáng và một số công trình phụ trợ khác. "Nhân dân rất phấn khởi vì có nơi tập luyện thể dục thể thao khang trang. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động thể thao quần chúng để thúc đẩy phong trào", ông Mạc Thành Cốc, Chủ tịch UBND phường An Lạc nói.
SVĐ trung tâm xã Nhân Quyền (Bình Giang) cũng được đánh giá là SVĐ cấp xã hiện đại nhất ở tỉnh hiện nay với kinh phí xây dựng hơn 6 tỷ đồng. Công trình này được nâng cấp và khai thác từ năm 2019 với các hạng mục chính như sân bóng đá, đường chạy, 3 sân bóng chuyền, một khu tập thể dục ngoài trời trang bị hàng chục bộ tập cơ chân, cơ tay, cơ ngực... SVĐ có sân khấu và 2 khán đài có mái che.
Hỗ trợ kinh phí xây dựng
SVĐ cấp xã được đầu tư xây dựng hiện đại không chỉ giúp thiết chế văn hóa, thể thao của các địa phương thêm đồng bộ, hoàn chỉnh mà còn tạo đà cho phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Thực tế cho thấy, ở xã nào làm được SVĐ trung tâm khang trang, hiện đại thì nơi đó có phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển.
Tuy nhiên, không phải xã nào cũng có nguồn lực để xây dựng SVĐ hiện đại như hai phường, xã trên. Nhiều địa phương chỉ đủ kinh phí quy hoạch đất và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản, còn kinh phí làm các hạng mục công trình phục vụ sự nghiệp thể dục thể thao thì gần như không có. Hiện vẫn còn tình trạng một số SVĐ đã quy hoạch rộng rãi nhưng lại để cỏ dại mọc, lãng phí. Giải pháp hợp lý nhất đối với những xã này là chủ động huy động nguồn xã hội hóa để làm SVĐ trung tâm.
Nhiều xã ở huyện Cẩm Giàng đã thực hiện rất tốt việc trên. Đến nay, các xã Tân Trường, Cẩm Định, Cao An đều đã huy động nguồn lực xã hội hóa để trải cỏ nhân tạo toàn bộ mặt SVĐ trung tâm. Riêng SVĐ xã Tân Trường còn xây được cả khán đài.
Không chỉ ở Cẩm Giàng mà các huyện như Nam Sách, Bình Giang, Kim Thành... nhiều xã, phường đã và đang chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa để hiện đại SVĐ trung tâm. Để khuyến khích các địa phương, năm 2019, UBND tỉnh đã cấp 21 tỷ đồng trích từ Chương trình nông nghiệp nông thôn hỗ trợ 21 xã, thị trấn ở 11 huyện, thành phố xây dựng sân thể thao trung tâm, mỗi nơi 1 tỷ đồng. Trong năm nay và những năm tiếp theo, nếu tỉnh và các địa phương có thêm các cơ chế hỗ trợ thì tỷ lệ SVĐ cấp xã được đầu tư hiện đại chắc chắn sẽ còn tăng lên.
Tiến Mạnh