Mặc dù mới ở bước đề xuất nhưng dư luận hết sức lo ngại trước những tác động to lớn đến môi trường nếu như sân golf này được xây dựng và đi vào hoạt động.
Các nhà khoa học đánh giá sân golf là mối đe dọa nghiêm trọng tới môi trường mặc dù những tác động có thể không nhìn thấy bằng mắt thường. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, mỗi ha sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 lần số hóa chất cho sản xuất nông nghiệp gồm những loại thuốc diệt cỏ, kiến, mối, nấm… để bảo đảm không một tác nhân nào gây hại cho mặt sân được phép tồn tại.
Ở một số nước Đông Nam Á, 1 sân golf mỗi năm sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất các loại và hàng trăm tấn phân bón hóa học. Tại Việt Nam, theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ riêng sân golf Tân Sơn Nhất đã sử dụng tới 190 tấn phân bón hóa học để chăm sóc cỏ và gần 10 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ mỗi năm. Ngoài ra, sân golf còn sử dụng một lượng nước khổng lồ, lên tới hàng nghìn m3 mỗi ngày.
Dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bị nước mưa, nước tưới hòa tan, cuốn xuống sông, ao hồ, ngấm vào nước ngầm trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, máy phun thuốc trừ sâu cũng phát tán chất hóa học vào không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh.
Vị trí mà doanh nghiệp đề xuất xây dựng sân golf nằm cách các khu dân cư của TP Hải Dương không xa, ngay sát mép nước sông Thái Bình. Phía thượng lưu và hạ lưu đoạn sông này có hàng loạt nhà máy sản xuất nước sạch cung cấp cho hàng trăm nghìn hộ dân.
Mai Anh