Tìm hiểu về độ khó của chương trình phổ thông
Khác với chương trình giáo dục của Việt Nam, các trường phổ thông ở Mỹ không chỉ quan tâm đến điểm số mà còn cả mức độ khó của chương trình học. Vậy nên, việc học tại trường chuyên, lớp chọn cùng với các giải TP, quốc gia đều là những yếu tố rất có lợi khi bạn nộp hồ sơ vào ĐH Mỹ. Ngoài ra, học sinh cũng nên lưu ý là giáo trình toán và một số môn khoa học ở Việt Nam khó hơn giáo trình ở Mỹ rất nhiều. HS có thể giải thích kỹ hơn về điều này trong hồ sơ của mình.
Hoàn thành các kỳ thi chuẩn hóa
Đối với HS Việt Nam, đa số các trường ĐH ở Mỹ yêu cầu điểm TOEFL và SAT. Một số trường còn yêu cầu cả điểm SAT II. HS có thể thi các kỳ thi này từ trước hoặc trong hè năm lớp 11 để tránh tình trạng ôn tập và thi dồn dập các kỳ thi trong các tháng liên tiếp, trong khi phải chuẩn bị các phần khác của hồ sơ. Ngoài ra thi sớm còn cho phép HS có điều kiện để ôn và thi lại nếu như điểm thi lần đầu tiên không được như mong đợi.
Lựa chọn trường
Đây là một công đoạn tốn khá nhiều thời gian nên các bạn cần chuẩn bị càng sớm càng tốt. Rất nhiều người đã lên danh sách sơ bộ các trường họ dự định nộp hồ sơ trong hè lớp 11 để có thể dành thời gian tìm hiểu thêm vào đầu năm lớp 12. Nhiều người cho rằng không nên chần chừ quá lâu trong việc chọn hay không chọn một trường vào danh sách, vì quyết định được càng sớm, HS sẽ có càng nhiều thời gian để tìm hiểu về trường và có thể lên kế hoạch cụ thể.
Viết luận văn, hoàn thành hồ sơ sơ bộ
Luận văn là nơi học sinh có thể thể hiện chính mình, những suy nghĩ, tình cảm không có chỗ bộc lộ trong những lá đơn xin học khác và đây cũng chính là nơi để ban tuyển sinh tìm hiểu rõ hơn, hiểu hơn về HS. Chính vì lý do này mà bài luận văn cần được hết sức quan tâm và dành nhiều thời gian. Nhiều người cho rằng HS nên suy nghĩ xem mình sẽ viết về điều gì ngay từ khi có dự định làm hồ sơ học ĐH ở Mỹ. Việc chuẩn bị sớm sẽ giúp HS có thời gian suy nghĩ sâu sắc về nhiều vấn đề mà có thể bình thường không để tâm tới, hơn nữa HS sẽ có nhiều thời gian để viết và sửa lại bài luận văn của mình nhiều lần. Đây là một phần hết sức quan trọng cần đặc biệt lưu ý. Sau khi hoàn thành bài luận, HS có thể hoàn thành “phần 1” của hồ sơ, tức là phần thông tin cá nhân, liệt kê điểm thi, các hoạt động ngoại khóa, thành tích đạt được…
Ảnh minh họa
Thư giới thiệu
Tùy thuộc vào mối quan hệ với thầy cô giáo mà HS dự định nhờ viết thư giới thiệu, HS có thể lựa chọn thời điểm phù hợp để người đó viết. Nếu như thầy cô giáo đã dạy từ năm lớp 10, 11 thì HS có thể nhờ viết thư ngay từ đầu năm lớp 12. Nếu như thầy cô giáo mới bắt đầu dạy bạn từ lớp 12 thì bạn có thể chờ đến giữa học kỳ để thầy cô có thời gian hiểu hơn về bạn. Công việc này hoàn thành càng sớm càng tốt để bạn có thời gian chuẩn bị cho các phần khác của hồ sơ.
Hoạt động ngoại khóa
Ngoài kết quả học và điểm thi, các trường ĐH ở Mỹ cũng khá coi trọng các hoạt động ngoại khóa. Qua đó, họ sẽ đánh giá sự năng động và khả năng lãnh đạo của bạn. Tại các trường THPT của Mỹ có vô vàn các câu lạc bộ HS khác nhau. Bạn đừng ngại mất thời gian mà không đăng ký tham gia. Ngay cả khi bạn không thực sự thích những hoạt động này thì chiếc thẻ thành viên cũng giúp cho hồ sơ của bạn trông sáng sủa hơn rất nhiều.
Hồ sơ bổ sung
Ngoài phần bắt buộc hầu như các trường đều yêu cầu bạn gửi thêm một phần bổ sung theo mẫu của trường và phần lớn các trường yêu cầu thêm một bài luận văn bổ sung. Đây cũng là một phần rất quan trọng vì bài luận văn trong hồ sơ sơ bộ có thể được dùng để gửi cho nhiều trường một lúc, trong khi bài luận văn bổ sung là viết theo đề của trường nên mang tính chất riêng hơn. Hầu hết các trường ra câu hỏi: Vì sao bạn muốn học ở trường chúng tôi? Vì thế đây là cơ hội tốt để bạn thể hiện sự hiểu biết của mình về trường.
Thu Cúc