Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm tới, đề thi không phục vụ mục tiêu kì thi "2 trong 1" mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Trên cơ sở đó, các trường ĐH,CĐ sử dụng điểm xét tuyển thí sinh vào trường.
Cũng theo Bộ trưởng 3 năm gần đây, cách thức tổ chức thi vẫn được giữ nguyên, chỉ có sự điều chỉnh ở nhiều khâu trong cả quá trình tổng thể.
Ngày 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Đề thi sẽ đánh giá đúng kết quả học tập THPT
Phát biểu tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua sự tham khảo, học hỏi nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều hướng đổi mới đối với kì thi năm tới. Điều quan trọng không chỉ là một kì thi để công nhận xét tốt nghiệp, thông qua kì thi, chúng ta có cái nhìn đúng về nội dung, phương pháp chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông giúp những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời sẽ đảm bảo được chất lượng đồng đều trên phạm vi toàn quốc.
Bộ trưởng Nhạ cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm vừa qua vẫn đạt kết quả cao, lí do là chúng ta vẫn dùng cách tính điểm cũ kết hợp với xét tuyển điểm học bạ. Nhưng sẽ từng bước tiến tới điểm công nhận tốt nghiệp đánh giá bằng quá trình học tập dựa trên học bạ. Chú trọng hơn trong triển khai thi, lấy điểm xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ. Như vậy ý nghĩa kì thi sẽ cao hơn, hướng tới giá trị thực chất, tránh được những tiêu cực quá lớn như kì thi vừa rồi.
Chất lượng của đề thi tiếp tục được hoàn thiện, tăng cường số lượng câu hỏi chuẩn hoá, mức độ cân đối của đề thi, bám sát với chuẩn kiến thức trong bậc THPT. Trên cơ sở đó, các trường ĐH,CĐ sử dụng điểm xét tuyển thí sinh vào trường.
Do đó, yêu cầu phải gắn với lượng kiến thức bậc phổ thông, đảm bảo phản ánh đúng thực chất kết quả việc dạy và học của các trường, các địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch.
Theo Bộ trưởng Nhạ, trong kì thi THPT quốc gia, nếu chúng ta không tổ chức quản lí chặt về mặt chất lượng thì bệnh thành tích sẽ kéo dài. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT vẫn bảo lưu quan điểm duy trì kì thi THPT quốc gia nhưng cải thiện, chú trọng yêu cầu về mặt lượng kiến thức thực sự được tiếp thu của học sinh trong bậc học THPT.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đổi mới kì thi THPT QG là cả một quá trình cải tiến, không phải mỗi năm một kiểu thi khác nhau. 3 năm gần đây, cách thức tổ chức thi vẫn được giữ nguyên, chỉ có sự điều chỉnh ở nhiều khâu trong cả quá trình tổng thể. Ví dụ: năm học 2016 – 2017 điểm ưu tiên giữa các thí sinh chưa được hợp lí, thí sinh 30 điểm vẫn không vào ĐH hoặc đề thi quá dễ nhiều người có thể làm được; đến năm 2017 – 2018 những điều đó đã được rút kinh nghiệm và thay đổi.
“Cho nên tới đây, cách tiếp cận của đề thi không phục vụ mục tiêu kì thi "2 trong 1", mà phục vụ đánh giá thực chất chất lượng dạy và học THPT. Thực hiện tốt được kì thi này, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ tốt lên” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Học sinh tham khảo bộ đề thi thử THPT quốc gia 2019 do các Thầy cô Tuyensinh247.com biên soạn tại đây: https://tin.tuyensinh247.com/de-thi-thu-tot-nghiep-thpt-e16.html
Thu Cúc