6 nội dung kiến thức môn Toán
Giáo viên Nguyễn Thanh Tịnh, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết từ cấu trúc đề thi, có 6 nội dung kiến thức học sinh (HS) cần phải lưu ý: Về phương trình và hệ phương trình có từ 2 đến 3 bài nhỏ. Mọi năm Sở cho phương trình chính tắc, HS áp dụng công thức để giải, nay Sở sẽ không cho như vậy mà đòi hỏi phải chuyển về dạng chuẩn tắc để giải. HS nào kỹ năng biến đổi kém thì sẽ sai ngay từ đầu và sai do lâu nay HS quen sử dụng máy tính, không hiểu nguyên tắc, giờ cần quy đồng, khử mẫu...
Nội dung thứ 2 về định lý Vi-et quen thuộc với HS, kiểm tra kiến thức đã học ở trường.
Vấn đề thứ 3 là biểu thức chứa căn bậc 2. Toàn bộ kiến thức này nằm trong chương trình lớp 9 và kỹ thuật biến đổi nằm ở lớp 8 tức là kết hợp cả lớp 8 và lớp 9.
Vấn đề thứ 4 là đồ thị và hàm số. Thường có 3 câu, vẽ đồ thị, tìm tọa độ, viết phương trình. Đây là bài toán quen thuộc trong sách giáo khoa (SGK) lớp 9.
Thứ 5 là bài toán thực tế. Do năm trước là năm đầu tiên có dạng bài này nên Sở có giới hạn bài toán về lãi suất tiết kiệm. Năm nay Sở không giới hạn, ngay giáo viên cũng mông lung, có thể nói tính vận tốc quãng đường, tiền điện, tiền nước, giá cước taxi, phân loại trái cây, phân loại tiền... cũng là bài toán thực tế. Loại bài này tổng hợp từ tiểu học đến THCS; ở lớp 5 gọi là bài toán giả thiết tạm. Tuy nhiên dạng bài này chủ yếu sử dụng kiến thức về phương trình bậc 2 để giải nên HS chú ý kiến thức này.
Bài toán hình học là nội dung thứ 6 HS cần lưu ý. Đó là dạng bài về quan hệ giữa đường tròn và đường thẳng, 2 đường tròn với nhau.
Ngay từ bây giờ HS cần rèn các dạng toán như biến đổi biểu thức chứa căn bậc 2, đồ thị hàm số... và xoay quanh 6 nội dung kiến thức nêu trên. Đặc biệt lưu ý bài phương trình và hệ phương trình có thể khó hơn mọi năm. Thí sinh có học lực khá trở lên thì thực hiện ngay được bước biến đổi với chuyển vế đổi dấu, quy đồng, còn học lực yếu sẽ gặp khó khăn.
Nắm kiến thức căn bản và biết vận dụng môn Ngữ văn
Giáo viên Nguyễn Thị Hiền, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho hay vài năm trở lại đây Sở ra đề theo hướng mở với định hướng phát triển năng lực của HS. Cách ra đề như vậy hạn chế học vẹt nên để ôn thi lớp 10 hiệu quả, trước hết HS phải học, hiểu, nắm được kiến thức căn bản và biết vận dụng. Đặc biệt đối với phần đọc hiểu văn bản, đa số nội dung đề hướng đến đều ngoài phạm vi SGK, vì vậy phải có kiến thức đọc hiểu chung và đặc biệt kiến thức tiếng Việt để ứng dụng, làm bài tập chứ không phải thuần túy là lý thuyết.
Phần nghị luận xã hội với nội dung mở, liên quan đến các vấn đề của cuộc sống, vì vậy ngoài kiến thức, kỹ năng viết thì cần có vốn kiến thức về cuộc sống, xã hội. Cập nhật thông tin qua các phương tiện truyền thông, trên mạng để nắm được thông tin nóng, từ đó bày tỏ, trình bày quan điểm cá nhân.
Điểm yếu của HS trước đây với nghị luận văn học là hay học tủ, học vẹt, nay nếu không có khả năng khái quát và tổng hợp vấn đề thì không thể làm tốt được. Vì vậy việc nắm cho tốt phương pháp lập luận, nghị luận cho từng thể loại, biết triển khai các luận điểm, dẫn chứng, luận cứ cho chặt chẽ, logic thì cần có thời gian luyện viết. Để thành công cho một bài thi cần 2 yếu tố: có kiến thức và kỹ năng diễn đạt.
Cách hiệu quả nhất là khi học hết tác phẩm nào thì vẽ sơ đồ tư duy về kiến thức nền của tác phẩm đó. Chẳng hạn tác phẩm có 2 nhân vật thì mỗi nhánh là một nhân vật, trong mỗi nhân vật có các nhánh hoàn cảnh nhân vật, phẩm chất... Việc thực hiện sơ đồ tư duy như vậy sẽ rất dễ nhớ, không mất nhiều công sức học và có kiến thức nền về tác phẩm đó.
Nắm chắc kiến thức SGK môn tiếng Anh
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh, theo giáo viên Trần Hữu Thắng, Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3), trước hết HS phải ôn tập bám sát SGK. Qua đề thi những năm gần đây, những HS nào nắm chắc kiến thức của SGK cũng đạt được 7 hoặc 8 điểm, 2 điểm còn lại dành cho kiến thức nâng cao, chủ yếu nằm trong phần loại từ (word form) và phần chuyển đổi câu (transformation).
Ngoài ra, năm nay nội dung câu hỏi sẽ bớt phần yếu tố ngữ pháp mà nghiêng về phần ngữ nghĩa hơn (trong 10 câu trắc nghiệm) và đối với thí sinh thi chuyên Anh sẽ có phần nghe.
Về ngữ pháp, HS tập trung vào những chủ điểm chính như: Câu bị động (Passive Voice), câu tường thuật (Reported Speech), mệnh đề Wish, câu điều kiện (Conditional Sentences) và mệnh đề quan hệ (Relative Clause).
Về ngữ nghĩa, lúc học SGK, HS cần gạch dưới hay ghi chú những cụm từ đặc biệt, ví dụ động từ nào với giới từ nào hoặc tính từ nào với giới từ nào.
HS ít nhất cũng phải nắm được những biến đổi của những từ trọng tâm trong bài khóa. Thời gian làm bài thi môn tiếng Anh là 60 phút, HS có đủ thời gian để đọc kỹ từng từ, câu để trước khi chọn đáp án chính xác.
Thu Cúc