Thành phố Nam Định là địa phương phát triển mạnh mô hình các câu lạc bộ (CLB), trung tâm bóng đá cộng đồng. Từ hè năm 2016, CLB Bóng đá cộng đồng Nam Định bắt đầu mở lớp tại Trung tâm bóng đá Cotokin, đến nay thu hút hơn 300 học viên tham gia. Số lượng học viên tham gia tăng lên, ngoài sân Cotokin, CLB thuê thêm 3 sân cỏ nhân tạo: sân bóng Lộc Hạ, sân bóng Bình Minh, sân bóng Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh Thiếu niên tỉnh.
Các lớp bóng đá được thành lập, phân chia theo các nhóm tuổi: U5, U7, U9, U11, U13. CLB được tổ chức khá chuyên nghiệp từ việc mua sắm trang phục, quần áo, chuẩn bị các dụng cụ huấn luyện và đội ngũ các thầy, huấn luyện viên đạt chuẩn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, những cựu cầu thủ danh tiếng của bóng đá Nam Định có kinh nghiệm giảng dạy, huấn luyện cho các em.
Do vậy, học viên đã được luyện tập với nhiều bài tập sáng tạo nhằm nâng cao sự nhanh nhạy, dẻo dai của các em, rèn luyện các thao tác kỹ thuật trong bóng đá. Qua đó, các em không chỉ có những chuyển biến tích cực về thể hình, thể chất, kỹ thuật chơi bóng mà còn được rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết và khả năng làm việc nhóm...
CLB Bóng đá cộng đồng Nam Định còn liên kết với các trung tâm bóng đá cộng đồng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc để tổ chức các buổi giao lưu, các giải đấu giao hữu nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp các em có cơ hội thử sức, cọ sát trên sân cỏ. Qua đó, CLB đã phát hiện và giới thiệu những tài năng trẻ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em tiếp cận với các học viện bóng đá, các lò đào tạo bóng đá danh tiếng trong nước để hiện thực hóa ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Với điều kiện tập luyện hiện đại cùng nhiều trang thiết bị tốt, CLB đang hoạt động thực sự hiệu quả đáp ứng nhu cầu, đam mê của thanh, thiếu niên, góp phần phát triển phong trào thể thao học đường. Các trung tâm bóng đá cộng đồng còn là nơi các gia đình gửi gắm để con em rèn luyện về thể chất và kỹ năng sống.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên toàn tỉnh có khoảng 10 trung tâm, CLB làm mô hình bóng đá cộng đồng, trong đó nhiều nhất là thành phố Nam Định, các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu. Nhiều Trung tâm mới ra đời nhưng đã có sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng. Hiện nay các trung tâm, CLB bóng đá cộng đồng không chỉ chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, sân bãi, mà còn tập trung nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ HLV, cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức.
Tính chuyên nghiệp cũng là mục tiêu hướng tới của các lớp bóng đá cộng đồng. Chính vì vậy, thời gian đầu, các bậc phụ huynh cho con theo học tại các trung tâm, CLB bóng đá cộng đồng cũng có băn khoăn, lo lắng về vấn đề an toàn và hiệu quả trong quá trình tập luyện của con em mình, tuy nhiên qua thời gian vui chơi, luyện tập cùng các thầy tinh thần và thể chất của các học viên đã có sự cải thiện rõ rệt.
Nhiều phụ huynh tỏ ra hài lòng khi con mình được thỏa niềm đam mê bóng đá; bản thân cũng đỡ “đau đầu” khi tìm kiếm sân chơi bổ ích và phù hợp để quản lý các con khi hè tới. Đa số các phụ huynh khi được hỏi đều hài lòng với sự ra đời của các trung tâm, CLB bóng đá cộng đồng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm, CLB bóng đá cộng đồng đã góp phần không nhỏ tạo điều kiện cho bóng đá phong trào phát triển trên địa bàn tỉnh. Điều đó càng được khẳng định bởi sau nhiều năm bị “quên lãng”, Sở VH, TT và DL đã tổ chức trở lại Giải bóng đá
Thiếu niên - Nhi đồng tỉnh với rất đông các đội bóng, câu lạc bộ ở các địa phương tham gia. Đồng chí Lâm Văn Tiên, Trưởng Phòng Nghiệp vụ TDTT tỉnh cho biết: Những năm qua, hoạt động bóng đá phong trào, đặc biệt là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Bên cạnh sự đầu tư các sân cỏ nhân tạo của các cá nhân, doanh nghiệp thì sự xuất hiện các trung tâm, CLB bóng đá cộng đồng đã mang lại sức hút cũng như sự đa dạng cho hoạt động bóng đá phong trào tỉnh, tạo tiền đề phát triển bóng đá chuyên nghiệp bền vững. Từ đó, ngành TDTT tiếp tục xây dựng các kế hoạch duy trì tổ chức các giải thi đấu nhằm mang lại sân chơi bổ ích cho các em trên địa bàn tỉnh.
Bằng hình thức xã hội hóa, hoạt động của các CLB, trung tâm bóng đá cộng đồng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào bóng đá nói riêng, phong trào TDTT nói chung trên địa bàn tỉnh. Sân chơi bổ ích này cần được nhân rộng để những các em được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, là nơi tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng “nhí”, nuôi dưỡng ước mơ tiến vào con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Hoàng Anh