Trong đó, đề cao vai trò tham gia của người dân trong xây dựng nếp sống đô thị. Ngoài việc tuyên truyền tại các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, họp khu dân cư… UBND các phường yêu cầu từng hộ gia đình kinh doanh ký cam kết chấp hành các quy định trật tự đô thị (TTÐT); tổ chức phối hợp các lực lượng ra quân giải tỏa thành công nhiều điểm vi phạm trật tự công cộng tồn tại nhiều năm.
Nhiều mô hình do các khu dân cư nghiên cứu, triển khai đã trở thành điển hình cần nhân rộng, như mô hình tuyến phố an ninh trật tự tại ba phố Trần Quốc Toản, Tuy Hòa, Hoàng Văn Thụ; mô hình tuyến phố không rác. Người dân chấp hành tốt quy định đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
Theo một lãnh đạo thành phố Hải Dương, khi đặt vấn đề xây dựng TP Hải Dương thành đô thị loại I, Nghị quyết của Tỉnh ủy đã ra “đề bài” cho lãnh đạo thành phố nghiên cứu mở rộng không gian đô thị; phát triển nhanh kết cấu hạ tầng; tăng cường công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đời sống văn hóa đô thị.
Theo đó, điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt ngày 14-7-2017, phạm vi quy hoạch chung TP Hải Dương sẽ được mở rộng thêm tám xã thuộc các huyện: Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Hà và Gia Lộc. Tuy nhiên, để bảo đảm sự cân bằng, ổn định cho các tiêu chí quy mô diện tích tự nhiên và dân số của hai huyện Nam Sách và Gia Lộc, phạm vi quy hoạch chung TP Hải Dương chỉ mở rộng thêm năm xã; sáp nhập hai xã và nâng cấp hai xã Nam Ðồng và Tân Hưng lên phường.
Tham quan thành phố dễ nhận thấy sự đổi thay từ khu đô thị mới hiện đại, đến các công trình văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế... Cấp ủy đảng, chính quyền TP Hải Dương đã tích cực chỉ đạo, đầu tư chỉnh trang đô thị, tăng diện tích cây xanh, mặt nước. Hiện tại, diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt 8,32 m2/người; tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị đạt 52,07%; có 12 khu vực không gian công cộng và 16 công trình kiến trúc tiêu biểu cấp quốc gia...
Anh Tú