Ông Lê Đình Long, Bí thư thành ủy Hải Dương đã có cuộc trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Xin ông cho biết Thành phố đã có kế hoạch cụ thể như thế nào để thực hiện chủ trương này?
+ Sau khi mở rộng địa giới hành chính, theo quy hoạch, Thành phố định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng "ngôi sao" với cấu trúc đa cực hướng tâm, với khu trung tâm được hỗ trợ, tương tác bởi 5 khu vực đặc thù. Cụ thể, với khu vực chức năng thứ nhất ở phía Bắc tập trung ở các xã An Châu và Thượng Đạt, theo quy hoạch sẽ phát triển các khu đô thị sinh thái. Chúng tôi coi trọng môi trường, không gian xanh, sạch và dự tính phát triển du lịch dọc sông Thái Bình. Với phân khu chức năng thứ 2 là khu công nghiệp sạch và chất lượng cao lấy khu Công nghiệp Nam Sách là trung tâm gồm phường Nam Đồng, Ái Quốc và xã Quyết Thắng, Tiền Tiến. Khu chức năng thứ 3 và thứ 4 là các xã Liên Hồng, Gia Xuyên, Ngọc Sơn. Đây là những xã vừa được UBTV Quốc hội có Nghị quyết đưa về thành phố sẽ được xây dựng thành các khu nông nghiệp an toàn, các khu chế xuất và dự trữ nông sản. Phân khu chức năng thứ 5 sẽ phát triển công nghiệp công nghệ cao trong đó lấy công nghiệp Đại An và KCN An Phát Complex làm trung tâm và định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ mở rộng trung tâm đô thị ra phía Nam của sông Sặt là động lực để phát triển thành phố.
Cùng với sự phát triển, mở rộng không gian đô thị, thành phố Hải Dương sẽ giải quyết bài toán bảo tồn các làng nghề và phố nghề như thế nào để vừa phát triển vừa bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống riêng có của Hải Dương?
+Thành phố hết sức quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa nhất là các làng nghề. Thành phố hiện có 3 làng nghề truyền thống là nghề mộc Đức Minh, Nguyễn Xá và bánh đa Lộ Cương. Các làng nghề này đang phát triển và tạo công ăn việc làm và quan trọng hơn là giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống cho mỗi vùng miền của thành phố Hải Dương. Mặc dù điều kiện đất đai của thành phố hạn hẹp nhưng chúng tôi hỗ trợ tối đa về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất cho làng nghề phát triển. Chúng tôi có chủ trương sử dụng các sản phẩm làng nghề để quảng bá, giới thiệu tới người dân và du khách; Tháo gỡ khó khăn cho các hộ cá thể và kết hợp cải tiến những dịch vụ làm sao để năng suất thì vẫn đảm bảo, mẫu mã bắt mắt, phù hợp thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng đặc biệt là xử lý tốt nước thải làng nghề để có môi trường sống và phát triển tốt.
Hướng tới mô hình Thành phố thông minh, thân thiện và lấy người dân làm trung tâm, thành phố Hải Dương có lộ trình và bước đi cụ thể như thế nào?
+Thành phố cần một chiến lược vừa lâu dài vừa trước mắt. Về lâu dài đúng là phải xây dựng đô thị thông minh, thân thiện, đáng sống, xanh, sạch, đẹp... nhưng trước mắt cần phải khắc phục những hạn chế về hạ tầng đô thị, về ô nhiễm môi trường nhất là ưu tiên giải quyết ngập úng cục bộ ở khu vực trung tâm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và kinh tế xã hội. Vấn đề ưu tiên thứ 2 là phát triển hạ tầng giao thông để kết nối các khu đô thị trung tâm theo hướng 5 cánh sao mà tôi đã nói ở trên. Bên cạnh đó là giải quyết đến vấn đề tiêu cực đến môi trường sống như rác thải, nước thải. Về lâu dài chúng tôi tiếp tục thúc đẩy xây dựng nhanh chính quyền điện tử để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; tái thiết lại khu vực trung tâm thành đô thị hiện đại. Đây là nhiệm vụ vừa lâu dài vừa trước mắt nên chúng tôi sẽ từng bước giải quyết ở những nơi khó khăn trước và tiến tới giải quyết triệt để những vấn đề đã đặt ra.
Mai Anh