Trường phổ thông cấp II – III YÊN HÒA được thành lập năm 1960. Từ mái trường đơn sơ trong ký ức của các thế hệ thầy và trò những năm đầu cho đến sự phát triển của ngôi trường hiện nay, tất cả đều chung một tinh thần là sức trẻ, là kỷ niệm, là bao mến yêu, là niềm tự hào. Các thế hệ thầy cô giáo và học sinh đã tiếp nối nhau thắp sáng, gìn giữ truyền thống nhà trường. Đó là ngọn lửa tâm đức nhiệt thành và bền bỉ, là khát vọng tiến bộ mạnh mẽ và sâu sắc. Nhờ vậy, ngôi trường THPT Yên Hòa đã luôn xứng là niềm tin yêu cho hôm nay và mai sau.
Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn lên chắc chắn, an yên. Từ ngôi trường bình dị năm xưa, những nét truyền thống tốt đẹp của nhà trường đã dần được hình thành. Nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi thành viên của ngôi trường đều thấy vinh dự, tự hào về những gì mà các thế hệ thầy và trò nhà trường đã đạt được. Mỗi một cựu học sinh đều thấm thía rằng ngôi trường thân thương đã nuôi giữ một phần đời của mình, mỗi bậc cha mẹ đều thấu hiểu trường Yên Hòa là những nấc thang quan trọng, là tháng năm thanh xuân đưa con mình đến tương lai.
Việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập trường nhằm để tiếp tục giáo dục truyền thống nhà trường cho thế hệ học sinh hôm nay. Qua đó nhà trường tiếp tục xác định rõ hơn mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho những năm tới, không ngừng thi đua Dạy tốt - Học tốt để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới.
Cơn mưa lạnh đến vội vàng không làm giảm đi sự ấm áp về tình cảm mà càng làm cho trong không khí của Lễ kỷ niệm trở nên xúc động, bồi hồi, với sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, đại biểu, khách quý, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cựu học sinh, cha mẹ học sinh. Bài diễn văn của nhà giáo, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp thể hiện tình cảm của thầy và trò Trường THPT Yên Hòa khắc ghi lòng biết ơn với các thế hệ nhà giáo kính yêu và học trò đã làm nên truyền thống tốt đẹp của nhà trường.
Từ những năm đầu là một ngôi trường nhỏ với những dãy nhà cấp bốn mái ngói và mái lá, ngôi trường bình dị này đã viết nên những trang vàng đầu tiên. Một cảm giác tự hào dâng lên trong tất cả những ai từng thuộc về Yên Hòa.
Trong những năm tháng khói lửa chiến tranh chống Mỹ, giáo viên và học sinh Yên Hoà đã nỗ lực thi đua “dạy tốt và học tốt”. Với khát vọng hòa bình và thống nhất đất nước, nhiều cựu học sinh trường Yên Hòa đã xung phong lên đường, bước vào cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chút lắng đọng khi nhắc đến những liệt sĩ đã hy sinh khi “tuổi 20 mãi ở lại”.
Sau những giây phút nhớ về lịch sử, truyền thống và niềm tự hào, các thế hệ học sinh hiện tại của trường được đưa tới giá trị cốt lõi của cuộc sống, của mái trường THPT Yên Hòa.
“60 năm là tròn một hoa giáp, trường PTTH Yên Hòa mang khát vọng rộng mở và xanh tươi, như tuổi trẻ của gần 2.000 học trò đang học dưới mái trường này.
Ngày lễ kỷ niệm thành lập trường hôm nay, cô nghĩ đó cũng là ngày của các con, ngày các con tự hào về trường, ghi nhớ công ơn thầy cô để nghĩ về mình một cách nghiêm túc và trách nhiệm hơn.
Các con hãy phấn đấu để đền đáp cha mẹ kính yêu, công ơn sinh thành và dưỡng dục các con mỗi ngày. Hãy học tốt hơn để trả nghĩa thầy cô và hãy giữ lòng tin yêu tươi sáng với cuộc đời này, để tri ân những tấm lòng cao quý đã ủng hộ ngôi trường mà mỗi ngày các con gắn bó.
Vì Yên Hòa chính là thanh xuân, thanh xuân ấy phải đẹp, phải sáng tươi và đặc biệt, phải giàu ân đức. Các con hãy nhớ, sống trong tri ân, chúng ta không nhỏ bé đi mà sẽ mạnh mẽ hơn vì ta có cội rễ, có động lực cao đẹp, đúng với đạo lý ‘uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây’ của dân tộc”.
Mái trường mang tên địa danh Yên Hòa cũng là mang một mong cầu quý nhất của con người, đó là đời sống bình yên và hòa hợp. Dành tình cảm tới những thế hệ cựu học sinh, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp thể hiện sự vui mừng khi thấy trong các thế hệ học sinh nhiều người đã trưởng thành, là nhà lãnh đạo cao của Trung ương, Bộ, thành phố và các cấp, nhiều người là tri thức tiêu biểu, doanh nhân thành đạt… Tất cả đều hướng tình cảm tốt đẹp, sống nhiệt thành, nhân ái về Yên Hòa, nơi là thanh xuân, là thổn thức của một thời “muốn quên không dễ”.
Tam Nguyên