Các chuyên gia Hà Lan cảnh báo những phương pháp đánh giá mực nước biển tăng hiện nay không tính đến khối lượng gia tăng của toàn bộ đại dương khi sông băng và thềm băng tan chảy, theo Science Alert. Sức nặng của lượng nước tăng thêm tác động lên đáy đại dương, khiến đáy biển biến dạng và chìm dần.
"Bản thân Trái Đất không phải là một khối cầu cứng chắc. Đó là một quả cầu biến dạng. Với hiện tượng biến đổi khí hậu, chúng ta không chỉ làm thay đổi nhiệt độ", nhà khoa học địa chất Thomas Frederikse ở Đại học Công nghệ Delft tại Hà Lan, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm nay, cho biết.
Theo Frederikse, hậu quả là đáy đại dương lún xuống. Lượng nước biển tăng lên thực sự do băng tan (barystatic sea level) bị bỏ sót trong các phép đo dựa trên quan sát từ vệ tinh. Đó là do số liệu vệ tinh chỉ thể hiện mức tăng tính tương đối từ tâm Trái Đất (geocentric sea level rise).
"Do thiết bị đo độ cao của vệ tinh theo dõi mực nước biển qua khung tham chiếu theo tâm Trái Đất, các ước tính lấy từ cách đo này sẽ không thể hiện sự gia tăng trong khối lượng nước biển làm lún đáy đại dương, đánh giá thấp ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao", nhóm nghiên cứu giải thích.
Để tính toán mức độ biến dạng của đáy đại dương dưới sức nặng của nước băng tan, các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều ước tính từ khối lượng mất đi của sông băng, các thềm băng ở Greenland và Nam Cực, và trữ lượng nước trên đất liền, bao gồm đập ngăn nước và nguồn nước ngầm cạn kiệt.
Trong khoảng từ năm 1993 đến 2014, nhóm nghiên cứu tính toán tổng khối lượng tăng lên của đại dương khiến đáy biển chìm khoảng 0,13 mm mỗi năm, hay 2,5 mm trong cả thời kỳ. Con số này nghe có vẻ không nhiều, nhưng một số khu vực bị biến dạng nhiều hơn đáng kể, lên tới 1 mm mỗi năm ở Bắc Băng Dương và 0,4 mm mỗi năm ở nam Thái Bình Dương.
Nhóm nghiên cứu kết luận đánh giá thuần túy về mực nước biển gia tăng dựa theo số liệu vệ tinh có thể dẫn tới sai lệch 8% so với thực tế khi tính cả nước băng tan