Nhóm nghiên cứu gồm hơn 80 nhà khoa học quốc tế sử dụng dữ liệu vệ tinh để tính toán khối lượng băng giai đoạn 1992 - 2017, Science Alert hôm 13/6 đưa tin. Kết quả là khoảng ba nghìn tỷ tấn băng đã tan, mực nước biển toàn cầu dâng cao 7,6 mm. Tốc độ băng tan cũng ngày càng nhanh trong giai đoạn này.
Trước năm 2012, lượng băng tan gần như ổn định ở mức khoảng 76 tỷ tấn và khiến nước biển tăng 0,2 mm mỗi năm. Nhưng sau đó, tốc độ này tăng lên đáng kể. Trong giai đoạn 2012 - 2017, mỗi năm Nam Cực mất đến 219 tỷ tấn băng và đẩy nước biển dâng thêm 0,6 mm.
"Lượng băng tan ở Nam Cực tăng mạnh trong thập kỷ gần đây. Lục địa này cũng khiến mực nước biển hiện nay tăng nhanh hơn so với bất cứ thời điểm nào trong 25 năm qua", Andrew Shepherd, nhà khoa học tại Đại học Leeds, cho biết.
Đa số băng tan bắt nguồn từ Tây Nam Cực, nhất là sông băng Pine Island và Thwaites. Sự sụp đổ của thềm băng ở bán đảo Nam Cực cũng đóng góp một phần lớn.
Mực nước biển toàn cầu có thể cao thêm đến 58 m nếu toàn bộ băng Nam Cực tan chảy. Lượng băng mất đi hiện nay rất nhỏ so với tổng khối lượng, nhưng việc tốc độ băng tan dựa theo quan sát vệ tinh tăng khiến giới khoa học lo lắng.
Phát hiện mới là một phần trong chuỗi 5 nghiên cứu về thay đổi môi trường ở Nam Cực và vùng biển xung quanh. Trong đó, nghiên cứu do Steve Rintoul, nhà hải dương học và khoa học khí hậu tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), làm đồng tác giả, chỉ ra viễn cảnh Nam Cực năm 2070 trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là lượng khí thải nhà kính tiếp tục cao như hiện nay và trường hợp còn lại là con người kiềm chế ô nhiễm carbon.
"Chúng tôi chọn năm 2070 vì hậu quả của mỗi trường hợp thể hiện rõ sau 50 năm. Ngoài ra, hơn một nửa dân số toàn cầu hiện nay sẽ vẫn sống đến năm 2070", Rintoul giải thích.
Theo tính toán, nếu lượng carbon thải ra tăng và con người không tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường ở Nam Cực, nhiệt độ không khí toàn cầu sẽ tăng gần 3,5 độ C so với năm 1850 và mực nước biển tăng trung bình 10 - 15 mm mỗi năm. Nghiêm trọng hơn, mực nước biển có thể dâng thêm tới 10 m vào thiên niên kỷ tới và hơn 50 m sau 10.000 năm. Khoảng 80% lượng nước biển tăng đến từ băng tan ở Nam Cực.
Thế giới sẽ tránh được viễn cảnh này nếu tích cực bảo vệ môi trường. Theo nhóm nghiên cứu, các nỗ lực trong 10 năm tới đóng vai trò trọng yếu giúp viễn cảnh thứ hai xảy ra. Khi đó, các thềm băng Nam Cực vẫn nguyên vẹn và chỉ khiến nước biển tăng lên khoảng 0,5 m đến năm 2070.