Iraj Hersini, một quan chức của SUNA khẳng định tỉnh Sistan-Baluchestan nằm ở khu vực đông nam là địa điểm hàng đầu có khả năng triển khai lắp đặt các nhà máy phát điện chạy bằng sức gió.
Khai thác năng lượng gió sẽ giúp Iran cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vì hầu hết các nhà máy phát điện của đất nước Hồi giáo này sử dụng nhiên liệu từ dầu mỏ và khí đốt.
Ngoài tỉnh Sistan-Baluchestan , Iran có thể triển khai các dự án năng lượng gió tại tỉnh Azabaijan cũng như ở các tỉnh Qazvin , Semnan và Khorasan.
Trong năm ngoái, hơn 200 tuabin gió đang hoạt động tại Manjil ở miền bắc Iran đã tạo ra 300 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia.
Quan chức của SUNA cũng cho biết Iran sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư và hỗ trợ họ để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo bằng sức gió.
Sự tham gia của các công ty lớn của nhà nước và khu vực tư nhân vào việc xây dựng các trang trại gió có thể giúp cắt giảm việc tiêu thụ năng lượng và giảm chi phí cũng như bảo vệ môi trường.
Iran đã xây dựng trang trại gió đầu tiên với công suất 2,5 MW tại tỉnh Qazvin hồi năm ngoái. Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Houshang Fallahian cho biết nước này sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có khả năng tự sản xuất hoàn chỉnh các nhà máy điện gió.
Iran là nước phát điện lớn nhất Trung Đông. Sản lượng điện của Tehran sản xuất được là 277 tỷ kWh vào năm ngoái.
Đất nước Hồi giáo này chủ yếu khai thác các nhà máy thủy điện, nhà máy điện dùng khí đốt và nhà máy điện chu trình hỗn hợp. Ngoài ra, Tehran đã khánh thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Bushehr vào tháng 9/2011.
Iran cũng đã triển khai một số dự án nhà máy điện năng lượng Mặt trời và nhiệt điện.