Đây là lời cảnh báo được chuyên gia nghiên cứu khí hậu danh tiếng James Hansen thuộc Đại học Colombia (Mỹ) đưa ra ngày 4/10.
Theo công trình nghiên cứu "Gánh nặng của thế hệ trẻ: Đòi hỏi giảm phát thải khí CO2 độc hại" của ông Hansen cùng 11 nhà khoa học khác, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, giai đoạn 1880-1920. Con số này gần chạm mức phạm vi 1,5-2 độ C mà lãnh đạo các nước hồi năm ngoái đã cam kết về việc giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi đó, việc đốt nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá, khí đốt trong hơn 150 năm qua đã khiến lượng khí CO2, methane và N2O phát thải trong không khí tăng cao, yếu tố chính khiến Trái Đất ấm lên trong những năm tới. Hậu quả là băng tan chảy, đại dương bị acid hóa, mực nước biển dâng và có khả năng nhấn chìm nhiều thành phố ven biển trên khắp thế giới trong những thế kỷ tới.
Nhà khoa học Hansen cho rằng nếu không có các biện pháp cắt giảm khí thải độc hại, các thế hệ trẻ sẽ đối mặt với một tương lai mơ hồ khi phải tìm cách "giải quyết" lượng khí CO2 tồn đọng trong không khí trong thế kỷ tới. Ông Hansen ước tính việc loại bỏ khí CO2 để kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi chi phí ước tính lên tới khoảng 104.000-570.000 tỷ USD.
Để khắc phục tình trạng này, ông Hansen thúc giục các quốc gia trên thế giới cần lập tức tăng thuế khí thải carbon và ngừng tất cả các tài trợ chính phủ cho việc khai thác nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, và khí đốt.
Mức thuế cao mới sẽ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nhiên liệu xanh, cũng như khuyến khích người dân chuyển hướng sang sử dụng các nguồn năng lượng ít carbon, từ đó góp phần giảm lượng khí thải nhà kính và thúc đẩy năng lượng sạch.