Hector Cuper và giấc mơ của 7000 đêm góp lại

Hector Cuper và giấc mơ của 7000 đêm góp lại

05-02-2017 15:43 | 0 bình luận
Gần 20 năm tính từ lần đầu vào chung kết và thua trận, HLV bị gán biệt danh "Vua về nhì" lại đứng trước một trận chung kết khi cùng Ai Cập tranh ngôi vô địch CAN 2017 với Cameroon.

"Ông có nhớ đã để thua bao nhiêu trận chung kết rồi không?" là câu hỏi dành cho Cuper trước thềm trận chung kết giải vô địch châu Phi - CAN 2017 giữa Ai Cập và Cameroon (diễn ra lúc 2h sáng 6/2 theo giờ Hà Nội). Như đã... quen với kiểu câu hỏi nửa thật nửa đểu này, HLV đội tuyển Ai Cập mỉm cười: "Tôi không nhớ, các bạn có thể lật lại lịch sử để kiểm tra".

Cuper rất hay về nhì, từ các giải Cup cho đến giải vô địch quốc gia. Với đội bóng nhỏ Mallorca, ông lần lượt vào chung kết Cup Nhà Vua 1998, chung kết Cup C2 1999 và đều thất bại dưới tay Barca rồi Lazio. Trong những năm đầu thế kỷ 21, Cuper một tay đặt Valencia lên bản đồ bóng đá châu Âu khi mang đội bóng này vào đến hai trận chung kết Champions League liên tiếp 2000 và 2001. Kết quả là ông về nhì trong cả hai lần ấy. Vận rủi sau đó đeo bám chiến lược gia người Argentina sang tận Inter Milan. Nếu trong giới cầu thủ có Michael Ballack thì trong làng cầm quân có Hector Cuper bị gắn liền với cái biệt danh không ai mong muốn - "Vua về nhì".

Rời Inter năm 2003, Cuper trở thành một người phiêu bạt. Trong hơn một thập kỷ sau đó, ông đi qua chín đội bóng khác nhau. Tên ông dần vắng mặt trên các bản tin quốc tế, bởi ông phải đi về những vùng trũng của bóng đá để tiếp tục được làm công việc yêu thích, ngay cả khi nơi ấy là Gruzia hay thế giới Ả-rập.

hector-cuper-va-giac-mo-cua-7000-dem-gop-lai

Hector Cuper bị dính với biệt danh "Vua về nhì" ở gần như đội bóng mà ông dẫn dắt. Ảnh: Reuters.

Thế rồi đột nhiên, giữa lòng châu Phi, người hâm mộ bóng đá giật mình nhận ra Cuper đang đứng trước một trận chung kết. "Tôi mong mình có một lần làm người thắng trận trong một trận chung kết", Cuper nói sau trận bán kết với Burkina Faso.

Có những lúc, trong cuộc đời, khi không tính toán gì thì đột nhiên mọi thứ lại trở nên đâu vào đấy. Hè 2015 là một thời khắc như thế của Cuper, khi ông nhận lời dẫn dắt tuyển Ai Cập. Đội tuyển thành công nhất lịch sử giải vô địch châu Phi (CAN) cần Cuper, và Cuper cũng cần cơ hội ấy. Lúc ấy, Ai Cập đã năm năm liên tiếp không được dự vòng chung kết CAN, kể từ lần vô địch gần nhất năm 2010. Còn Cuper vừa bị sa thải chỉ sau bốn tháng làm việc tại Dubai cho Al-Wasl. Trước đó, khi ông rời Orduspor (Thổ Nhĩ Kỳ) và Racing Santander (Tây Ban Nha), cả hai CLB này đều đang xếp chót ở giải vô địch. Trong một năm cầm quân cho đội tuyển Gruzia trước đó, Cuper thậm chí không thắng nổi một trận nào. 

hector-cuper-va-giac-mo-cua-7000-dem-gop-lai-1

Cùng tuyển Ai Cập, Cuper, ở tuổi 61, lại đứng trước một cơ hội nữa để thoát kiếp "Vua về nhì". 

Và từ giây phút Cuper ngồi vào ghế HLV Ai Cập, thế giới chứng kiến sự hồi sinh của cả hai. Sau 20 trận đấu dưới thời Cuper, Ai Cập chỉ thua ba trận. Như hơn gần hai thập niên về trước, Cuper vẫn là người đàn ông Argentina với gương mặt cương nghị và lối chơi phòng ngự phản công thực dụng. Trên đường vào chung kết CAN 2017, Ai Cập của Cuper chỉ chịu vỏn vẹn một bàn thua. Trước Burkina Faso ở bán kết, thấy rõ đội nhà không có cửa đánh bại đối thủ, ông thừa nhận đã yêu cầu các học trò kéo trận đấu vào loạt sút luân lưu may rủi. Và ở đó, tài năng của thủ thành 44 tuổi Essam El Hadary đã đưa Ai Cập vào chung kết.

Ở tuổi 61, Cuper đã sống trọn một vòng lục thập hoa giáp, đã thấu hiểu lẽ sống ở đời. Thời đỉnh cao của ông đã trôi qua quá xa, nhưng rồi Cuper tìm lại cảm hứng làm việc của thời hoa niên tại Ai Cập, ngay khi không ngờ tới. "Bóng đá là một niềm đam mê", Cuper nói với tờ Guardian. "Nó cho tôi nguồn sống, nó là ô-xy, nó khích thích tôi. Và ở đây, tôi cảm nhận được điều đó, y hệt cảm giác khi lần đầu đặt chân đến Mallorca năm 1997".

Nguồn cảm hứng làm việc trở lại của Cuper đã thắp sáng cho cả một nền bóng đá. Ai Cập, mấy năm trước đây còn bị xem như một vị Pharaoh bị chôn vùi trong Kim tự tháp. Giải vô địch của họ bị buộc dừng lại hai năm sau một cuộc bạo loạn ở sân vận động Port Said khiến 74 người thiệt mang. Các trận đấu của họ phải đá trong sân không khán giả suốt bốn năm. Nhưng giữa sự ủ dột ấy, Cuper nhìn thấy một đất nước yêu cuồng với bóng đá. Ông bảo chưa có ở nơi nào mình đi qua, các cầu thủ tập luyện và thi đấu hăng say như ở đây, dù đó có là thủ quân Essam El-Hadary đã 44 tuổi. "Ban đầu, họ chỉ yêu cầu tôi mang đội tuyển trở lại vòng chung kết, họ không hề nghĩ đến chuyện vô địch", Cuper nói. Mục tiêu lớn nhất của Ai Cập lúc ấy chỉ là giành quyền dự vòng chung kết World Cup 2018, lần đầu tiên sau 28 năm.

hector-cuper-va-giac-mo-cua-7000-dem-gop-lai-2

Mối lương duyên Cuper - Ai Cập đang đứng trước cơ hội vàng để lấy lại vị thế hàng đầu mà họ xứng đáng thuộc về. 

Và từng bước, họ mang Ai Cập trở lại nơi từng thuộc về: một trận chung kết tầm châu lục. "Vận rủi ư? Tôi không nghĩ nó là vận rủi", Cuper nói. "Bởi vì nếu là vận rủi, chúng tôi thậm chí đã không thể vào được chung kết. Tôi không tin vào lời nguyền hay những thứ thuộc về tâm linh như thế. Bởi vì tôi đã thua những đội bóng rất mạnh ở những trận chung kết: Barca, Lazio, Real Madrid, Bayern. Và tôi thà là vào chung kết rồi thua còn hơn là không hiện diện ở đó".

Đấy quả là phát ngôn của một người từng trải và biết cách chấp nhận cuộc đời hơn. Hôm nay, Cuper sẽ lại vào chung kết với một niềm hy vọng, từ 7.000 đêm góp lại sau trận chung kết Cúp Nhà vua năm nào với Mallorca.

Hoài Thương tổng hợp

Tin tức mới nhất