Công thức 1 (tiếng Anh: Formula One), còn gọi là Thể thức 1 hay F1, là một môn thể thao tốc độ chuyên về đua ô tô bánh hở cao nhất theo định nghĩa của Liên đoàn Đua xe thể thao thế giới (FIA) - cơ quan quản lý thế giới về thể thao mô tô.
Cuộc đua Công thức 1 - F1 luôn được xem là vua của mọi giải đua xe, luôn chứa đựng nhiều điều cuốn hút. Đây còn là giải đấu quy tụ những công nghệ tân tiến nhất của nền công nghiệp ôtô toàn cầu với các mẫu động cơ hiện đại, hệ thống điều khiển thông minh cùng những mẫu xe mới nhất. Bên cạnh cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các hãng xe là sự đấu trí về chiến thuật giữa các tay đua qua từng khúc cua, từng vòng đua hay mỗi lần thay lốp.
Loạt cuộc đua Công thức 1 có nguồn gốc từ Giải Grand Prix Đua Mô tô vào những năm 1920 và 1930. Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức tại Silverstone, Liên hiệp Anh vào năm 1950. Đến nay, Giải đua xe Công thức 1 hằng năm đã được tổ chức thành 21 chặng đua mang tên Grands Prix tại 21 nước bao gồm: Úc, Trung Quốc, Ba-ranh, A-déc-bai-gian, Tây Ban Nha, Mô-na-cô, Ca-na-đa, Pháp, Áo, Anh, Đức, Hung-ga-ri, Bỉ, Ý, Xin-ga-po, Nga, Nhật Bản, Mỹ, Mê-hi-cô, Bra-xin, A-bu Đa-bi (UAE).
Giải đua thường được tổ chức tại những đường đua được xây dựng dành riêng nhưng cũng có số ít trường hợp là đua ngay trên những con đường trong thành phố, trong đó nổi tiếng nhất là vòng đua Monaco Grand Prix ở Monte Carlo và vòng đua ở Singapore. Kết quả của mỗi cuộc đua được tổng hợp lại để xác định hai Nhà vô địch Thế giới hàng năm, một dành cho tay đua và một dành cho đội đua. Châu Âu là cái nôi của Công thức 1. Tại châu Á, hiện nay (2018) có các vòng đua tại Trung Quốc (Thượng Hải), Nhật Bản (Suzuka - Nagoya), Singapore, Bahrain. Vòng đua Hà Nội - Việt Nam được triển khai sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua xe Công thức 1 Vô địch thế giới từ năm 2020, là đường đua thứ 3 trên thế giới được tổ chức trên phố.
Mùa giải F1 là một sự kiện truyền hình lớn, thu hút hàng triệu người hâm mộ theo dõi trên khắp thế giới. Theo báo cáo của Liberty, hiện có khoảng hơn 400 triệu người trên thế giới theo dõi trực tiếp các cuộc đua Công thức 1 trên truyền hình toàn cầu. Đây là môn thể thao tốn kém bậc nhất với kinh phí mỗi đội tham gia rót vào trung bình từ 125 đến 500 triệu USD/năm.
Hà Nội là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là một trong hai đầu tầu kinh tế của cả nước, với 7,65 triệu dân. Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, Hà Nội cùng cả nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa - xã hội. Trong 10 năm sau mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đạt trung bình 7,41%/năm.
Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ chất lượng cao tiếp tục được phát triển. Cơ sở vật chất, kỹ thuật, du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương và Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thúc đẩy dịch vụ thương mại phát triển tương xứng với tiềm năng, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành một điểm đến quốc tế hấp dẫn, từ đó lan tỏa ra khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô cũng như cả nước. Hơn 15 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục giữ vững danh hiệu Thành phố vì hòa bình, luôn là điểm đến an toàn cho mọi người dân, du khách trong và ngoài nước. An toàn trở thành một thương hiệu của Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế tầm cỡ. Về sự kiện thể thao, Hà Nội đã từng tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2003, Đại hội Thể thao Châu Á trong nhà năm 2009. Các hạ tầng về cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức các sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc tế trên địa bàn Thành phố (sân bay, kho tàng, hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, truyền hình, cơ sở lưu trú,…) đã được Chính phủ, thành phố Hà Nội và các công ty tư nhân đầu tư đủ điều kiện để phục vụ cho công tác tổ chức Giải đua xe Công thức 1 tại Hà Nội.
Việc đăng cai tổ chức Giải đua Công thức 1 tại Hà Nội khác với việc đăng cai SEA Games, Asiad, Olympic hoặc các giải bóng đá. Thành phố Hà Nội chỉ là đơn vị đăng cai, hỗ trợ cho Công ty Grand Prix Việt Namđứng ra tổ chức (giống như mô hình tổ chức Giải Bắn pháo hoa Quốc tế tại thành phố Đà Nẵng). Hơn nữa, các đội đua đến tham dự đều là những đội đua chuyên nghiệp, toàn bộ khâu tổ chức, thể lệ cuộc đua đều thống nhất tại các chặng đua của các nước. Giải đua tại Việt Nam chỉ là một chặng đua. Do vậy, thành phố Hà Nội không phải huy động quá nhiều lực lượng và nguồn lực cho Giải đua này.
Các chuyên gia kỹ thuật F1 đã nhiều lần đến Hà Nội để khảo sát, đánh giá, xác định thành phố Hà Nội có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để tổ chức Giải đua xe Công thức 1 như: Sân bay; Hạ tầng giao thông (từ sân bay về đường đua trong vòng 01 giờ đồng hồ); Hệ thống khách sạn; Dịch vụ vận chuyển hàng hóa; Hạ tầng viễn thông; Mạng 4G; Hạ tầng truyền hình; các hệ thống kho bãi (Logistics); Nguồn nhân lực. Đặc biệt, Việt Nam và Hà Nội nói chung có một nền văn hóa đa dạng, có nhiều sản phẩm văn hóa phi vật thể có thể đưa vào để tổ chức các sự kiện bên lề nhằm đưa đến cho khán giả, khách du lịch có nhiều trải nghiệm. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lại có số lượng giới trẻ cao. Người sử dụng smartphone, sử dụng Internet vào nhóm cao trên thế giới.
Qua kết quả khảo sát, đánh giá toàn diện phương án địa điểm tổ chức Giải đua xe Công thức 1 do các chuyên gia F1 thế giới khảo sát, đánh giá:Khu vực Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình là nơi đã có sẵn một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho thể thao, là phương án phù hợp, tối ưu để tổ chức Giải đua xe Công thức 1, điều kiện để bổ sung cho giải đua nên có chi phí thấp (tiết kiệm) khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho Giải đua xe F1. Địa điểm này đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch là khu vực để tổ chức các sự kiện thể thao quy mô quốc gia và thế giới, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã được xây dựng tương đối đầy đủ và phù hợp đối với Giải đua xe F1, đã được các chuyên gia kỹ thuật F1 đồng ý lựa chọn.
Theo tính toán của F1, với sơ đồ thiết kế hướng tuyến đường đua hiện nay, Đường đua Hà Nội - Việt Nam được triển khai sẽ trở thành một phần trong hệ thống Giải đua xe F1 vô địch Thế giới; là đường đua thứ 3 đua trên đường phố. Cấu trúc đường đua dài 5.565 km được thiết kế bởi Tập đoàn Tilke của Đức.Chặng đua tại Hà Nội không chỉ là thử thách đối với các tay đua mà còn mang đến cho khán giả, người hâm mộ những màn trình diễn hấp dẫn, đầy thú vị cho cả các tay đua lẫn người hâm mộ.
Với phương án đảm bảo an ninh trật tự và phân luồng giao thôngdo Công an thành phố Hà Nội và Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội nghiên cứu, hoàn thiện. Các trục giao thông đô thị lớn như: Lê Đức Thọ, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì và các đường nội bộ trong khu vực sẽ được tận dụng tối đa và khoa học, hoàn toàn đảm bảo an ninh an toàn và giao thông thông suốt trong toàn bộ thời gian chuẩn bị và tổ chức Giải đua. Việc đảm bảo an ninh trật tự và phân luồng giao thông đã được Công an thành phố Hà Nội tổ chức tốt qua nhiều sự kiện được tổ chức tại khu vực này trong thời gian qua.
Việc đăng cai Giải đua này sẽ đưa Hà Nội và Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới về sự kiện thể thao lớn trên thế giới. Đặc biệt, Giải đua F1 là một giải đua danh tiếng, có truyền thống lâu năm, do vậy sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của Hà Nội - Việt Nam ra thế giới quanh năm.
Đồng thời, tạo ra một sự kiện thể thao giải trí hấp dẫn cho người dân trải nghiệm vào dịp cuối tuần; thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và cả nước; Tạo đà cho phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, vận chuyển và các loại hình dịch vụ phục vụ khác; Phát triển các dịch vụ chất lượng cao như hậu cần (logistic), hàng không, giải trí, truyền hình, sản xuất và bán các loại quà lưu niệm.
Tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Hà Nội và Việt Nam giao lưu, chuyển giao các công nghệ mới của thế giới trong lĩnh vực ôtô,cơ khí chế tạo,điện tử - viễn thông, công tác chăm sóc cấp cứu vận động viên và phòng, chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp…Tạo ra môi trường để có điều kiện cho gặp gỡ, giao lưu kết nối giữa các quan chức Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các địa phương với các lãnh đạo Tập đoàn, Công ty lớn của thế giới để xúc tiến đầu tư - giao thương…
Tạo thêm việc làm cho người dân Thủ đô; Là cơ hội cho văn hóa phi vật thể, văn hóa ẩm thực của Hà Nội và Việt Nam phát triển qua việc tổ chức các sự kiện bên lề giải đua và cung cấp hậu cần; Tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó tạo ra doanh thu cho ngành du lịch, dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố Hà Nội.
Việc tổ chức Giải đua yêu cầu phải ngăn đường, do đó dự kiến sẽ có tác động đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân trong 4 - 5 ngày trước và trong Giải đua. Tuy nhiên, việc tổ chức sự kiện chính vào thứ 7 và Chủ nhật thì lưu lượng giao thông giảm đáng kể. Thành phố Hà Nội sẽ có phương án phân luồng phù hợp, giao thông thông suốt và tuyên truyền cho người dân ở một số đoạn tuyến ở dọc đường đua nhằm đảm bảo an toàn trong những ngày tổ chức sự kiện.
Bên cạnh đó, khi tổ chức Giải đua có tác động đến sinh hoạt, đời sống và hoạt động kinh doanh của một số tổ chức và các hộ dân liên quan, nhưng lại tạo ra các dịch vụ mới phát triển cho Thành phố và khu vực xung quanh tổ chức Giải đua. Trên thực tế khu vực tiếp cận với đường đua chủ yếu là không gian công cộng, các cơ sở thi đấu thể thao, hệ thống kho bãi của Khu liên hiệp thể thao Quốc gia Mỹ Đình, các nhà cao tầng và cụm dân cư Phú Đô nằm độc lập có khoảng cách với đường đua. Hơn nữa, thời gian diễn ra Giải đua chính ngắn (04 giờ). Do đó, thời gian tổ chức và vị trí thiết kế đường đua đã được tính toán đáp ứng tiêu chí giảm thiểu đến mức tối ưu nhất những tác động đến sinh hoạt và hoạt động kinh doanh của các tổ chức và hộ dân liên quan.
Quang Huy