Ôn tập hiệu quả 3 môn thi bắt buộc THPT Quốc gia 2017

Ôn tập hiệu quả 3 môn thi bắt buộc THPT Quốc gia 2017

04-02-2017 19:45 | 0 bình luận
Để đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải có sự chuẩn bị kiến thức các môn thi bắt buộc thật chắc chắn.
Nên thuộc một vài công thức tính nhanh môn Toán
 
Về lý thuyết, thí sinh (TS) cần học thuộc các bảng công thức: đạo hàm, nguyên hàm, logarit, thể tích, diện tích, góc, khoảng cách, công thức liên hệ giữa số cạnh, số mặt và số đỉnh của một hình chóp hoặc của một hình lăng trụ.
 
Bên cạnh đó, cần nắm vững các định nghĩa: điểm cực trị và giá trị cực trị của hàm số, khối đa diện, đa diện đều, hình chóp đều, các lăng trụ đặc biệt (lăng trụ đa giác đều, hình hộp, hình hộp chữ nhật, hình lập phương), hình trụ, hình nón, hình cầu.
 
Về phương pháp, phải lưu ý và rèn kỹ năng phương pháp tìm khoảng đơn điệu, cực trị, tiệm cận, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của hàm số, giải phương trình, bất phương trình mũ, log, tính tích phân, tìm một số phức, tìm tập hợp các điểm biểu diễn một số phức thỏa các điều kiện cho trước, tính các loại khoảng cách, các loại góc, các cách xác định tâm mặt cầu ngoại tiếp, nội tiếp hình chóp, hình lăng trụ, phương trình mặt cầu, mặt phẳng, đường thẳng.
 
Do bài thi được cho dưới hình thức trắc nghiệm, mỗi câu có 4 phương án trả lời trong đó chỉ một phương án đúng nên TS cần biết dự đoán và loại suy.
Nên thuộc một vài công thức tính nhanh và biết cách sử dụng máy tính cá nhân nhưng không nên có thói quen dùng máy tính để thử từng phương án nhằm chọn ra phương án đúng cho mỗi câu hỏi, bởi trong đề thi sẽ không có nhiều câu hỏi có thể dùng máy tính để giải, hơn nữa nếu giải bằng cách này sẽ chậm hơn rất nhiều so với cách giải bình thường.
TS nên tập làm các đề minh họa, thử nghiệm ngoài mục đích ôn tập, nắm vững kiến thức còn nhằm làm quen với áp lực về thời gian cũng như có kinh nghiệm trong xử lý việc tính toán.
Theo Thạc sĩ Hoàng Hữu Vinh (Phó hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)
 
Rèn cách viết đoạn Văn
 
Trước hết, TS cần nắm vững lý thuyết tiếng Việt. Đọc kỹ những đặc trưng của 6 phong cách ngôn ngữ và 6 phương thức biểu đạt trong tiếng Việt, các khái niệm về thao tác lập luận và thao tác kết cấu, các biện pháp tu từ.
 
Đặc biệt, kiểu câu hỏi nhiều điểm thường là nêu các biện pháp tu từ và hiệu quả nghệ thuật của nó. Kết cấu bài thi chỉ 4 câu hỏi nhưng phần tiếng Việt là 3 điểm vì vậy TS phải ôn tập sâu về tiếng Việt để đạt điểm cao. Ở câu này, TS chỉ nên làm trong vòng 10 phút.
 
Phần làm văn năm nay vẫn 2 câu nhưng có thay đổi lớn về điểm và yêu cầu của đề. Câu nghị luận xã hội không viết một bài văn mà là yêu cầu viết một đoạn văn. Lưu ý đầu tiên khi làm câu này là không viết xuống dòng và không được chia thành nhiều đoạn, vì như thế là sai với yêu cầu. Trước tiên, TS nên viết một câu khái quát vấn đề (có thể dùng kiểu câu diễn dịch). Tiếp đến, vào thẳng khái niệm (nếu cần) và tạo ngay các luận điểm cũng như đưa ra luận cứ chứng minh (dẫn chứng). Sau đó, TS viết ngay một câu kết, có nội dung tương ứng với câu khái quát (hoặc có thể rút ra cho mình bài học hành động). Tất cả đều phải hàm súc, cú pháp gọn, chắc, ý rõ để tránh lan man.
 
Ở câu nghị luận văn học, cần có kỹ năng nhận dạng đề. Từ yêu cầu của đề, triển khai dàn ý thật nhanh trong 5 phút. Thông thường phần thân bài người ta kết cấu nó theo kiểu tổng, nghĩa là khái quát, chia nhỏ các phần văn bản thành các ý và lập luận, phân tích, cảm nhận, chứng minh… để tìm ra ý nghĩa của vấn đề. Phần hợp là nhận định chung về nội dung, chủ đề nghệ thuật.
 
Trong một bài viết, cần lưu ý rèn luyện cách diễn đạt cho trôi chảy, tránh câu mơ hồ, tối nghĩa.
 
Theo thầy Nguyễn Đức Hùng (Giáo viên Trường THPT Marie Curie TP.HCM)
 
Những “mẹo” khi làm bài môn Tiếng Anh
 
Theo đề thi minh họa tiếng Anh năm 2017 của Bộ GD-ĐT, trong số 50 câu hỏi thì phần đọc hiểu có 3 bài, chiếm 20 câu.
 
Muốn làm tốt bài thi đọc hiểu, TS không chỉ sử dụng kỹ năng ngôn ngữ mà còn phải có kiến thức phổ thông vững chắc. Vì vậy, để làm tốt phần này người học cần có quá trình đọc sách báo cập nhật thời sự, nắm thông tin trong nhiều lĩnh vực khác nhau xung quanh ta và cả trên thế giới. Xu hướng này thể hiện rất rõ trong các tài liệu luyện thi của các kỳ thi cấp bằng tiếng Anh quốc tế như TOEFL, TOEIC và giáo trình dành cho người đi du học như Cutting Edge, Reading Challenge, American File...
 
Để làm tốt kỹ năng đọc hiểu tổng quát, khi đọc văn bản, TS nên chú ý vào câu đầu và câu cuối của đoạn văn. Bởi thông thường 2 phần này trong văn bản tiếng Anh sẽ là câu chủ đề hoặc nhấn mạnh lại vấn đề. Vì vậy, dù chỉ đọc lướt TS cũng nhanh chóng nhận ra chủ đề cho câu hỏi tổng quát. Việc nhận ra quan điểm chính của tác giả muốn đưa ra trong đoạn văn cũng rất quan trọng để làm tốt dạng câu hỏi này.
 
Với câu kiểm tra kỹ năng đọc hiểu chi tiết, câu trả lời thường tập trung trong phạm vi 1 - 2 câu có đề cập nội dung đó. Vì vậy, TS không nên đọc lan man mà chỉ cần tập trung đọc kỹ đúng đoạn văn bản mà nội dung câu hỏi đề cập để tìm ra câu trả lời.
 
Dạng câu hỏi kiểm tra nghĩa của từ thường sẽ ra những từ khó và hiếm gặp. Vì vậy sẽ không dễ dàng biết nghĩa của từ nếu không có vốn từ vựng phong phú. Một mẹo cần có là khi làm dạng câu hỏi này TS phải vận dụng ngữ cảnh cụ thể để phán đoán. Việc hiểu tổng quát nội dung đoạn văn, kết hợp với 4 đáp án gợi ý cho sẵn sẽ giúp việc đoán từ dễ dàng hơn.
 
Dạng câu hỏi về liên kết ý trong văn bản thường hỏi về chủ thể được thay thế trong các đại từ như: “that”, “it”, “they”… Với dạng này, việc nắm vững cấu trúc của câu văn sẽ giúp TS suy luận chính xác. Trong nhiều trường hợp, nếu vận dụng cấu trúc mà vẫn chưa tìm ra đúng chủ thể thì dựa vào nghĩa cụ thể của câu văn để suy ra.
 
Cuối cùng, dạng câu hỏi suy đoán đòi hỏi TS tư duy và suy luận ở mức cao hơn. Dù phải tìm ra điều không được nhắc trực tiếp trong đoạn văn nhưng TS vẫn phải dựa vào các chi tiết có sẵn trong bài, thông qua nội dung hoặc qua các trình bày văn phong của tác giả.
Theo thầy Phạm Tấn Hoàng (Giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)
 
Thu Cúc
Tin tức mới nhất