Đây là năm thứ tư sự kiện kinh tế - văn hóa lớn của vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và được thiên nhiên ưu đãi này được tổ chức. Là dịp tiếp tục quảng bá, giới thiệu các loại trái cây đặc sản và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn, Hội chợ thực sự mang ý nghĩa tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân.
Cùng với đó, vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ được đánh giá rất cao, để tổng hòa tạo thành mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tiến tới hoàn thiện xây dựng thương hiệu; tạo cầu nối cho các doanh nghiệp, HTX và người nông dân xúc tiến hợp tác - liên kết trong sản xuất, kinh doanh, phân phối và tiêu thụ; xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của huyện theo hướng bền vững.
Điểm nhấn mới của Hội chợ năm nay là sự phối hợp giữa huyện Lục Ngạn với các sở, ngành của tỉnh tổ chức đồng thời các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch tại Thành phố Hà Nội và Bắc Giang để tương tác, kết nối với Hội chợ tại Lục Ngạn, như: Tổ chức cuộc thi thiết kế logo huyện Lục Ngạn, logo các sản phẩm đặc trưng và sáng tác ảnh đẹp về Lục Ngạn; tổ chức chương trình khảo sát, giới thiệu các điểm, tour du lịch vùng cây ăn quả Lục Ngạn trong 02 ngày 29, 30/11/2019 với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch Trung ương và các tỉnh; tổ chức khai trương gian hàng sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang và sản phẩm cam, bưởi huyện Lục Ngạn tại Thủ đô Hà Nội vào sáng ngày 01/12/2019.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Dương Văn Thái, nhấn mạnh, huyện Lục Ngạn là địa phương đi đầu trong hoạt động xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nông sản, với nhiều hình thức, cách làm linh hoạt.
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Nguyễn Thanh Bình, cho biết: “Với 27.000 hecta cây ăn quả các loại, Lục Ngạn là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Ngoài vải thiều là loại quả chủ lực, Lục Ngạn còn có một số loại cây ăn quả khác có chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế cao như nhãn, ổi, táo, nhưng để có được thành công như hiện nay, huyện đã thực hiện chiến lược với quy hoạch bài bản cho từng loại cây, không để tình trạng phát triển ồ ạt, chồng chéo mà thay vào đó tạo thành từng vùng sản xuất các loại cây ăn quả chủ lực, hợp với thổ nhưỡng. Đặc biệt, bà con nhân dân đã tuân thủ thực hiện một cách nghiêm túc chủ trương”.
Tam Nguyên