Đề thi thử vào lớp 10 môn Văn 2017 - Dạng đề TPHCM
Gợi ý làm bài - Nguồn Học Văn lớp 9
Câu 1:
1: Những thông tin người xem có thể thu thập khi xem bộ phim tài liệu “Hành trình của sự sống và cái chết” là: Cuộc sống của những người dân tị nạn ở Trung Đông; sự khốc liệt, tộiác tột cùng của chiến tranh và nguyên nhân vì sao những người tị nạn phải rời bỏ quê hương của mình .
2: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Thuyết minh
3: Trong đoạn (2), người viết đã sử dụng phép lặp “những đứa trẻ”; phép thế “ở đó”, “những hình ảnh ấy”. Tác dụng: Tô đậm hình ảnh đáng thương của trẻ em trong trại tị nạn, câu văn ám ảnh, sinh động.
4: Câu hát của những đứa trẻ trong trại tị nạn cho thấy: Với chúng, quê hương là nơi đẹp đẽ,nơi có những điều tốt lành, hạnh phúc và mơ ước. Vậy mà chúng phải rời bỏ quê hương để cùng người lớn di cư tìm đến cuộc sống khổ cực. Câu hát cũng chính là lời tố cáo chiến tranh, IS đã đẩy con người, nhất là trẻ em, những nạn nhân đáng thương đến tình cảnh khổ sở.
Câu 2:
* Nêu vấn đề cần nghị luận.
* Giải thích:
+ Nghĩa đen: những nhành mai tươi đẹp khoe sắc trong ngày xuân phải trải qua quá trình rứt bỏ tất cả những chiếc lá.
+ Nghĩa bóng: con người phải biết trải qua những khó khăn trong cuộc sống để đi đến thành công.
* Phân tích, chứng minh:
+ Khẳng định giá trị của câu nói.
+ Muốn thành công, muốn đạt được giá trị, thành tựu rực rỡ phải trải qua những khó khăn, thậm chí có cả nỗi đau thể xác( mồi hôi, công sức…)
+ Lấy dẫn chứng từ thực tế (tấm gương vượt khó), từ văn học ( Ví dụ: Bài “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chí Minh…)
* Bàn luận:
+ Câu nói trên hoàn toàn đúng với những ai biết kiên trì, nhẫn nại, biết vượt qua tất cả nỗi đau của cuộc đời để đi đến thành công.
+ Tuy vậy, vẫn có những người không chịu đựng được nỗi đau, thường tỏ ra yếu hèn, nhút nhát trong tư tưởng và hành động. Từ đó dẫn đến sự thất bại hoặc không đạt được những thành tựu và giá trị mà bản thân cần phải có…
* Bài học nhận thức và hành động:
+ Biết vượt qua nỗi đau, khó khăn để đi đến thành công là phương châm sống, nghị lực của tuổi trẻ.
+ Suy nghĩ của bản thân về vấn đề.
Câu 3:
I. Mở bài:
- Giới thiệu được hai tác giả, hai tác phẩm.
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Cả hai đoạn thơ đều là những dòng thơ thật hay, thật xúc động, bộc lộ ước nguyện được hoà nhập, dâng hiến cho cuộc đời.
II. Thân bài:
1. Phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ trong bài “Một khúc ca” ( Tố Hữu ):
- Hai cầu đầu mượn hình ảnh con chim, chiếc lá để thể hiện quy luật của thiên nhiên: con chim dâng tặng cho đời tiếng hót, chiếc lá dâng tặng cho đời màu xanh. Đó là những gì tinh tuý nhất để làm cho cuộc sống thêm hương sắc và thêm sức sống.
- Hai câu thơ sau nói về quy luật của cuộc sống con người: Đó là quy luật vay-trả, nhận và cho. Suy rộng ra con người sống không phải là để hưởng thụ vật chất hay tinh thần của thiên nhiên, của cuộc sống mà phải biết cống hiến, biết làm đẹp cho xã hội ngày càng phát triển. Đó là cách sống có ý nghĩa.
- Cách lập luận “phải…phải”, “lẽ nào…” là lời khẳng định mang tính quy luật.
2. Phân tích nội dung và nghệ thuật của khổ 4 và 5 trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải ):
- Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được khơi gợi từ những cảm nhận về một mùa xuân mới, mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của cuộc sống lao động và chiến đấu của dân tộc.
- Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được thể hiện một cách khiêm nhường nhưng rất đỗi chân thành, đó là ước nguyện được hòa nhập, được là một con chim hót, một nhành hoa tỏa ngát hương, một nốt trầm xao xuyến, một mùa xuân nho nhỏ… bất chấp thời gian, bất chấp tuổi tác.
- Niềm khát khao ấy càng có ý nghĩa và xúc động khi là ước nguyện của một người đang nằm trên giường bệnh. ( liên hệ đến hoàn cảnh sáng tác của bài thơ )
- Bằng thể thơ năm chữ, giọng điệu chân thành, tha thiết phù hợp với tâm trạng cảm xúc, cùng với hình ảnh ẩn dụ… Thanh Hải đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp đáng quý: mỗi người hãy sống có khát vọng, sống có cống hiến, dù chỉ là phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn và dựng xây đất nước. Đọc đoạn thơ, bài thơ ta càng yêu hơn, trân trọng hơn lẽ sống mà Thanh Hải để lại, ta càng phải tự nhủ: Hãy sống đẹp – sống như Thanh Hải đã sống.
3. Điểm gặp gỡ ( điểm chung ) giữa hai nhà thơ:
- Hai nhà thơ gặp nhau ở quan niệm về lẽ sống: Không sống hưởng thụ, ích kỉ, phải biết cống hiến, vị tha. Đây là quan điểm sống đẹp, cao thượng và đáng trân trọng.
- Họ đều lựa chọn những hình ảnh, những sự vật bình dị nhưng có ích để thể hiện khát vọng của mình.
- Họ đều là những con người sống có lí tưởng, có niềm tin vào tương lai đất nước.
- Lời thơ của cả hai tác giả đề thiết tha, cảm xúc chân thành.
=> Rút ra bài học cho bản thân hoặc lời đề nghị với mọi người: Phải chuẩn bị cho mình những phẩm chất, trí tuệ để xây dựng và phát triển đất nước.
III. Kết bài: Khái quát, đánh giá về vấn đề bàn luận.
Thu Cúc