GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, được chọn làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuyển chọn chuyên gia theo hình thức xét thầu quốc tế Thưa ông, dư luận bắt đầu lo lắng về tiến độ chuẩn bị đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT). Cụ thể là chương trình tổng thể chính thức chưa được công bố. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?Đúng là ai cũng lo khi thấy có vẻ như mọi việc vẫn khá im ắng. Tuy nhiên, đến giờ phút này thì có thể chia sẻ một chút thông tin.
Để đảm bảo tiến độ công việc đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới, đầu tháng 11.2016, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT đã triệu tập một số chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể (tức khung chương trình GDPT). Cho đến nay, các chuyên gia đã thống nhất ý kiến đánh giá về các phiên bản dự thảo chương trình tổng thể và định hướng hoàn thiện để có thể trình phiên bản mới vào thời gian sớm nhất.
Nếu học sinh THPT tiếp tục học nhiều môn như hiện nay, các em không chỉ bị quá tải mà còn không có điều kiện để học sâu những kiến thức, kỹ năng cần thiết đối với định hướng nghề nghiệp của mình - GS Nguyễn Minh Thuyết
Đến thời điểm này, Ngân hàng Thế giới mới có thư chấp nhận chính thức tôi là tổng chủ biên, còn các chuyên gia khác thì đang tiếp tục được tuyển chọn theo hình thức xét thầu quốc tế. Tinh thần là đội ngũ xây dựng chương trình sẽ có cả những nhà nghiên cứu, giảng viên ĐH, giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn phải là kinh nghiệm của ứng cử viên, ai có nhiều kinh nghiệm hơn thì có nhiều khả năng trúng tuyển hơn.
Đại biểu Ngân hàng Thế giới có nhận xét số giờ học của HS VN quá thấp so với các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) và một số nước đang phát triển ở châu Á như Trung Quốc. Vị này đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức học 2 buổi/ngày ở cả 3 cấp học và kéo dài thời gian học đến 38 hoặc 40 tuần/năm như nhiều nước, vì số giờ học tập càng cao thì người học càng học được nhiều mà thong thả, số giờ học càng ít thì việc học càng căng thẳng.
Phải có chương trình tổng thể muộn nhất vào tháng 3.2017
Trước hết, Bộ GD-ĐT sẽ phải phối hợp với Ngân hàng Thế giới thúc đẩy nhanh quá trình tuyển chọn nhân sự xây dựng chương trình. Thứ hai, phải sớm hoàn thành dự thảo chương trình tổng thể mới để xin ý kiến các chuyên gia giáo dục (dự kiến vào cuối tháng 1.2017), đưa lên mạng lần nữa xin ý kiến nhân dân (đầu tháng 2.2017), trình ra Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình và tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến hội đồng. Muộn nhất là tháng 3.2017 phải có chương trình tổng thể để biên soạn các chương trình môn học.
Trong quá trình biên soạn còn phải thường xuyên thực hiện việc đánh giá tác động của chương trình. Trước đây, chúng ta biên soạn xong chương trình mới viết sách giáo khoa thử nghiệm và dạy sách giáo khoa đó để thử nghiệm độ tin cậy của chương trình. Sau vài năm dạy thử nghiệm mới tiếp tục hoàn thiện và phê duyệt chương trình. Theo cách làm mới, chúng ta sẽ không chờ đến lúc biên soạn xong chương trình mới thử nghiệm mà tiến hành đánh giá tác động ngay khi đưa ra những nội dung giáo dục, phương pháp dạy học hay phương pháp đánh giá mới. Bên cạnh biện pháp dạy thực nghiệm, còn có thể áp dụng những biện pháp khác như khảo sát thực tế, điều tra dư luận, phỏng vấn sâu chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và HS...
Kết quả đánh giá tác động của chương trình như tính khả thi, tác động đến HS, giáo viên, nhà trường, đến ngân sách và chi phí xã hội, đến sự phát triển kinh tế - xã hội... sẽ là căn cứ quan trọng để hoàn thiện và thẩm định chương trình. Ngoài những công việc nói trên, sau khi hoàn thành chương trình, ban soạn thảo còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là biên soạn tài liệu hướng dẫn viết SGK và tài liệu tập huấn giáo viên.
|
Thu Cúc