Phong trào tập luyện TDTT không những góp phần thúc đẩy công tác xã hội hóa, đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất TDTT mà còn tạo đòn bẩy, cú hích cho thể thao thành tích cao gặt hái được nhiều kết quả hơn. Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ người tập luyện thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 29,7%, tỷ lệ gia đình tập luyện thể thao thường xuyên chiếm 18%. Điều đó chứng tỏ một bộ phận không nhỏ người dân ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng, lợi ích của việc tập luyện thể thao nhằm bảo vệ, tăng cường sức khỏe.
Dạo một vòng quanh TP. Buôn Ma Thuột vào các buổi sáng, chiều tối có thể cảm nhận không khí tập luyện thể thao diễn ra hào hứng, sôi nổi tại nhiều địa điểm, không gian khác nhau như: hoa viên, sân trường học, nhà thi đấu... Đông đảo người dân, không phân biệt tuổi tác, lựa chọn cho mình những môn thể thao yêu thích, phù hợp với lứa tuổi, điều kiện sức khỏe để tập luyện.
Tại Câu lạc bộ bóng chuyền tuổi trẻ và đam mê của anh Nguyễn Thanh Thiện (TP. Buôn Ma Thuột) thường náo nhiệt vào hai khung giờ trưa và chiều tối, người chơi tùy công việc, sắp xếp thời gian đến tham gia, chia đội để thi tài. Tương tự, tại Câu lạc bộ bóng bàn Đoàn Kết cũng luôn có đông đảo các tay vợt yêu thích quả bóng tròn đến đến tập luyện, thi đấu. “Có thể nhận thấy đông đảo bạn trẻ, thanh thiếu niên hiện đã thay đổi tư duy, có ý thức rèn luyện sức khỏe ngay từ rất sớm, nhờ vậy mà các câu lạc bộ thể thao luôn thu hút đông đảo hội viên tham gia” - Trưởng Phòng Thể thao quần chúng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Võ Đình Đoài nhận định.
Để đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân, phong trào xã hội hóa thể dục thể thao, huy động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể thao được quan tâm, khuyến khích, đẩy mạnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có 70 sân vận động các loại, 88 nhà tập luyện đa năng, 190 sân bóng đá 11 người, 89 sân bóng rổ, quần vợt, 117 bể bơi, 153 bàn bóng bàn... Tất cả các nhà thi đấu, sân tập đều xây dựng đáp ứng theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của từng bộ môn.
Thể thao phong trào phát triển rộng khắp tạo điều kiện cho thể thao thành tích cao Đắk Lắk khởi sắc, phát triển mạnh. Những giải thể thao phong trào diễn ra liên tục, thường xuyên, với mật độ trung bình 2 giải/tháng ở quy mô cấp tỉnh giúp cho những tuyển trạch viên, huấn luyện viên các bộ môn thể thao có cơ hội theo dõi, tuyển chọn vận động viên xuất sắc để thành lập đội tuyển, tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, tiến tới thi đấu ở những giải trong nước, khu vực, đem vinh quang về cho địa phương. Cụ thể, tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI, khu vực 2 năm 2019, Đắk Lắk xuất sắc xếp thứ Nhất toàn đoàn khi đoạt đến 19 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng. Đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp Đắk Lắk xếp vị trí dẫn đầu tại hội thi này.
Theo thống kê, trong năm 2019 toàn tỉnh đã tổ chức 512 giải thể thao cấp xã, 112 giải cấp huyện và 18 giải cấp tỉnh, thu hút hàng nghìn vận động viên tham dự. Các giải thể thao đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu thích thể thao.Cũng trong năm 2019, các vận động viên của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh thi đấu ở nhiều giải đấu trong nước, khu vực và đoạt đến 84 huy chương các loại, trong đó có 3 huy chương ở đấu trường SEA Games, gồm các vận động viên Phạm Bá Hợi (huy chương Vàng, môn kick boxing), Trương Đình Hoàng (huy chương Bạc môn boxing) và Nguyễn Thị Trinh (huy chương Bạc môn bóng chuyền nữ), qua đó khẳng định vị thế của thể thao của tỉnh trong khu vực.
Đăng Triều