Hàng năm số trẻ tử vong do tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh đều giảm (năm 2016 là 38 trẻ, năm 2017 là 33 trẻ, năm 2018 là 15 trẻ, năm 2019 là 9 trẻ). Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống đuối nước.
Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2017, Sở VH-TT phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ sở kinh doanh hoạt động môn bơi triển khai dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Trong đó, năm 2017 tổ chức 17 lớp/770 trẻ, năm 2018 mở 19 lớp/850 trẻ, năm 2019 mở 15 lớp/650 trẻ. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức truyền thông kỹ năng phòng chống đuối nước và tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cha mẹ, những người chăm sóc trẻ và trẻ em tại một số địa phương trong tỉnh.
Ông Phan Tuấn Sơn, Phó Phòng Quản lý TDTT (Sở VH-TT), cho biết: “Các địa phương đã tổ chức dạy bơi, hỗ trợ kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em; vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại địa phương, trường học; có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, học phí, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được tập bơi. Ngoài ra, Sở VH-TT còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giải bơi cứu đuối học sinh, thanh thiếu nhi toàn tỉnh “Đường đua xanh” với các nhóm tuổi và cự ly phù hợp; trong 3 năm đã có 23 giải thi bơi với hơn 1.000 học sinh tham gia”.
Ngoài việc quan tâm tổ chức các hoạt động trong phòng chống đuối nước ở trẻ em, Sở VH-TT, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được học tập, vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe như: Thi vẽ tranh, tiếng hát hoa phượng đỏ, tổ chức giải bóng đá, hội thi thiếu nhi kể chuyện, xe thư viện lưu động đa phương tiện tại các huyện vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, rèn luyện kỹ năng cho các em, phục vụ nhu cầu giải trí của các em và phòng chống tai nạn thương tích.
Từ năm 2016 - 2020, Sở VH-TT tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước ở trẻ em cho hướng dẫn viên TDTT cơ sở. Hàng năm, qua các đợt tập huấn có hơn 150 học viên tham gia, qua đó thực hiện được các kỹ thuật bơi cơ bản và phương pháp, kỹ thuật cứu đuối. Hiện nay các học viên tham gia các đợt tập huấn đang công tác hướng dẫn bơi và cứu đuối tại các hồ bơi trên địa bàn tỉnh, góp phần làm giảm tai nạn đuối nước trong thời gian qua.
Những năm 1980, lãnh đạo tỉnh và ngành Thể thao đã quan tâm, đầu tư xây dựng hồ bơi đạt tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại nhất cả nước. TP Quy Nhơn 5 lần được chọn là nơi đăng cai Giải bơi vượt sông Bạch Đằng. Cùng với đó, bộ môn bơi lội đã xuất hiện nhiều tài năng như: Trương Ngọc Tuấn, Hoàng Thị Lân… từng giành ngôi vô địch quốc gia, phá nhiều kỷ lục. Tuy nhiên, do không được đầu tư cải tạo, sửa chữa, hồ bơi thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh quản lý ngày một xuống cấp. Ngay cả việc phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện VĐV bơi lội còn gặp khó khăn chứ chưa nói đến việc tổ chức một giải đấu cấp khu vực. Số giải đấu thưa thớt, thành tích bơi lội của Bình Định ở đấu trường quốc gia dần đi xuống, phong trào vì thế cũng không còn sôi nổi như trước.
Do đó, nên gây dựng lại phong trào bơi lội trong toàn tỉnh. Để làm được điều đó, bên cạnh việc phổ cập bộ môn bơi lội cho trẻ em, cần tổ chức nhiều giải bơi để kích thích phong trào tập luyện. Cùng với đó, dành sự đầu tư cho đội tuyển bơi tỉnh để hướng đến mục tiêu tranh chấp huy chương ở đấu trường quốc gia, khu vực. Việc có được những VĐV hàng đầu quốc gia sẽ tạo ra hiệu ứng rất lớn đối với phong trào, giúp công tác phòng chống đuối nước được nhiều thuận lợi.
Hoàng Huy