Hải Dương có nhiều làng nghề khá nổi tiếng như: chạm khắc gỗ Đông Giao, gốm Chu Đậu, vàng bạc Châu Khê, thêu gien Xuân Nẻo, chạm khắc đá Kính Chủ, giầy da Tam Lâm… Đây là những thế mạnh của Hải Dương phục vụ cho sản phẩm du lịch mua sắm. Hải Dương có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, thơ mộng, như: núi rừng Chí Linh, hang động Kính Chủ, Nhẫm Dương, đảo cò Chi Lăng Nam, các miệt vườn cây trái Thanh Hà… Đây là những yếu tố thuận lợi cho sản phẩm du lịch sinh thái...
Với những điều kiện đó, Hải Dương có tiềm năng không nhỏ để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch Hải Dương phát triển còn chậm, thiếu đồng bộ, liên kết. Du khách đến Hải Dương hầu hết chỉ đi trong ngày, ít đoàn nghỉ qua đêm, lại càng hiếm những đoàn ở lại dài ngày để tham quan, trải nghiệm; sức mua sắm cũng không lớn.
Trước thực trạng trên, để phát triển ngành du lịch Hải Dương trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn mới, cần khẩn trương triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch về du lịch hơn nữa. Với phương châm huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là động viên các nguồn lực trong khối tư nhân và nước ngoài để mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất ở các điểm, khu du lịch trong tỉnh. Ưu tiên những khu du lịch trọng điểm như: Côn Sơn - Kiếp Bạc, Kính Chủ, Nhẫm Dương, đảo cò Chi Lăng Nam… Nên xác định sản phẩm du lịch trọng tâm với thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống. Tập trung xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch Hải Dương rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, xây dựng và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông, các bến bãi đỗ xe ở các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các tuyến đường vào các làng nghề truyền thống. Tạo điều kiện và động viên để các chủ doanh nghiệp, nhà hàng sớm hoàn thành các khách sạn, nhà nghỉ, công trình phục vụ du lịch. Tích cực vận động, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư ở Hải Dương để sớm hoàn thành các dự án lớn về du lịch. Đồng thời khuyến khích các làng nghề sản xuất nhiều mặt hàng truyền thống có mẫu mã đẹp, độc đáo, mang đậm nét văn hóa Hải Dương và tăng cường giới thiệu với du khách ở các điểm du lịch, các quầy hàng, các siêu thị gần tuyến đường mà du khách hay qua lại và nghỉ chân. Cần mở rộng hình thức hát văn, hầu đồng, hát chèo, ca trù tại các điểm di tích, như: Kiếp Bạc, đền Sinh, đền Hóa, đền Tranh…
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch song song với việc nâng cao nhận thức cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của hoạt động du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Ngọc Huyền