Theo WHO, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới các nhân tố môi trường và xã hội quyết định tới sức khỏe bao gồm không khí, nước uống, thực phẩm và chỗ ở. Nhiệt độ tăng cao sẽ gây sốc nhiệt, gia tăng các bệnh như sốt rét hay tiêu chảy. Nhiều nơi trên hành tinh sẽ không đủ điều kiện để canh tác dẫn tới tình trạng thiếu dinh dưỡng hay thậm chí không thể duy trì sự sống của con người và động vật. WHO ước tính đến năm 2030, chi phí khắc phục những thiệt hại trực tiếp của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người sẽ vào khoảng 2-4 tỷ USD/năm.
Giáo sư Hans Otto Portner, chuyên gia đứng đầu khoa nghiên cứu Vật lý Sinh thái của Viện Alfred Wegener, đồng thời là đồng Chủ tịch Nhóm làm việc II của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), cho biết biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ môi trường tăng cao sẽ khiến những mối đe dọa sẵn có đối với sức khỏe con người nghiêm trọng hơn cũng như tạo ra thêm những mối đe dọa mới.
Nhiệt độ tăng cao bất thường được coi là tác nhân trực tiếp khiến gia tăng số lượng các ca tử vong do các bệnh tim mạch cũng như về đường hô hấp, nguyên nhân do nhiệt độ cao khiến nồng độ ozone và các chất ô nhiễm khác trong không khí cũng tăng lên.
Trong đợt nắng nóng cao điểm mùa Hè năm 2003, ở châu Âu có hơn 70.000 trường hợp tử vong do nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, nhiệt độ không khí cao cũng làm tăng lượng phấn hoa và các chất gây dị ứng trong không khí, đe dọa tới khoảng 300 triệu người mắc chứng hen suyễn trên toàn cầu.
Tác động sức khỏe của nhiệt độ cao ảnh hưởng tới mọi quốc gia không phân biệt mức độ phát triển. Tuy nhiên, các nhóm người dân và cộng đồng không có điều kiện kinh tế sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt, các khu vực có cơ sở hạ tầng y tế thiếu thốn, chủ yếu là các nước đang phát triển, nếu không nhận được hỗ trợ cần thiết sẽ gặp khó khăn trong việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Tác động bị tăng cường do dân số già hóa có sức chống chịu kém và tốc độ đô thị hóa nhanh mang theo hiệu ứng đảo nhiệt.
Giáo sư Portner hối thúc các nước tuân thủ và nỗ lực hoàn thành các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015. Chuyên gia này nêu rõ đứng trước các tác động sức khỏe của biến đổi khí hậu, khả năng thích ứng của thể chất con người, đặc biệt là nhóm đối tượng lao động ngoài trời, rất giới hạn và tối ưu nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu được kìm giữ ở mức không quá 1,5 độ C so với mốc thời kỳ tiền công nghiệp.