Rừng nhiệt đới đang thải ra nhiều carbon hơn là hấp thụ, trái với quan niệm thông thường cho rằng nơi đây giúp hấp thụ carbon và giải phóng oxy, theo PBS. Những vùng rừng này phát ra khoảng 425 triệu tấn carbon mỗi năm, lớn hơn toàn bộ lượng khí thải từ xe cộ ở Mỹ.
Không giống xe cộ chỉ có một chiều là thải carbon vào khí quyển, thực vật vừa hấp thụ, vừa giải phóng carbon. Rừng nhiệt đới hấp thụ carbon dioxide thừa trong khí quyển, rừng càng lớn thì càng có thể giữ nhiều carbon, làm giảm sự ấm lên toàn cầu và ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Alessandro Baccini, nhà sinh thái rừng tại Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole, và nhà sinh thái rừng Wayne Walker đến các khu rừng thuộc 22 quốc gia trên thế giới để đo tổng khối lượng sinh vật, hay sinh khối, của các khu rừng nhiệt đới. Họ phát hiện các khu rừng thưa bắt đầu thải carbon vào khí quyển khi số cây bị đốn hạ, cây chết bắt đầu mục rữa.
Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu về chiều cao và đường kính thân cây để tính toán sinh khối. Không giống những nghiên cứu trước đây chỉ xét các yếu tố đơn lẻ như chặt phá rừng, các nhà khoa học muốn đánh giá những thay đổi khó đo đạc hơn, ví dụ như mất rừng diện nhỏ do hạn hán hoặc nhiệt độ tăng. Những thay đổi này khiến rừng trở nên thưa hơn, nhiều cây chết hơn.
Họ sử dụng một phương pháp mới kết hợp số liệu về sinh khối trên mặt đất với ảnh vệ tinh tại cùng địa điểm. Những khu vực cây chết hoặc đất trống hấp thụ ánh sáng khác so với rừng bình thường. Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu có thể lập mô hình thống kê để ước tính lượng carbon phát ra của toàn bộ rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, những khu rừng bị thu hẹp thải nhiều carbon hơn là hấp thụ, đảo ngược vai trò "bể chứa carbon" xưa nay. Tình trạng mất rừng diện nhỏ tăng nhanh, chiếm gần 70% lượng carbon thải ra trong toàn khu vực rừng nhiệt đới, Baccini cho biết.
"Chúng ta vẫn còn thời gian để cải thiện điều này", Baccini cho biết. Ông gợi ý sử dụng biện pháp truyền thống là trồng cây và ngưng chặt rừng.
"Hiển nhiên đây là vấn đề cần giải quyết, nhưng nó cũng mang đến một cơ hội lớn", Walker nhận định. Theo ông, duy trì và tái tạo rừng là phương pháp trực tiếp và hiệu quả hơn so với giải quyết những yếu tố gây biến đổi khí hậu khác, ví dụ như nhiên liệu hóa thạch.
Nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách tập trung nguồn lực bảo vệ những khu vực hấp thụ carbon hiệu quả nhất, theo Nancy Harris, quản lý tài nguyên rừng tại Viện Tài Nguyên Thế giới. "Về cơ bản, rừng là công nghệ duy nhất hiện nay để loại bớt carbon ra khỏi khí quyển. Chúng ta cần tận dụng công nghệ đó", Harris chia sẻ.