Văn miếu Mao Điền không gian văn hóa và tâm linh độc đáo

Văn miếu Mao Điền không gian văn hóa và tâm linh độc đáo

19-02-2020 14:10 | 0 bình luận
Văn miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng- Hải Dương) là một địa chỉ văn hóa và du lịch tâm linh độc đáo thu hút du khách thập phương.

Văn miếu Mao Điền thờ Khổng Tử và các vị quan văn, đại nho nổi tiếng trong giai đoạn triều Mạc và Lê Trung Hưng. Bên cạnh khu Văn miếu còn là trường học và trường thi, tuyển chọn những người tài. Để khuyến học, Văn miếu thường dựng bia, khắc tên các vị đại khoa và hương khoa. Những dấu ấn đó vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Cách đây không lâu, huyện Cẩm Giàng làm lễ khánh thành hệ thống bia tiến sĩ và công bố quyết định của Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam công nhận Văn miếu Mao Điền là 1 trong 5 địa chỉ khuyến học lớn nhất Việt Nam. Về quy mô và diện tích Văn miếu Mao Điền chỉ đứng thứ hai sau Văn miếu Hà Nội nhưng lại là nơi duy nhất có hệ thống văn bia ghi chép đầy đủ danh sách 637 tiến sĩ và 12 trạng nguyên của trấn Hải Dương xưa, tính từ các khoa thi (1075-1919). Đây còn là địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh và khuyến học lớn nhất ở phía Bắc, nơi thờ Khổng Tử và 8 vị Đại khoa, tiêu biểu cho các lĩnh vực và triều đại (trong đó có 7 vị là người Hải Dương).

Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng được lập ra từ thời Lê Sơ (1428-1527), với mục đích chỉ tổ chức thi Hương có trấn Hải Dương, cùng những kẻ sĩ ở các vùng đất phía đông kinh thành Thăng Long. Đặc biệt đến triều nhà Mạc (1529-1592) đã tổ chức 4 khoa thi Hội tại đây. Trong đó, tại khoa thi năm 1535, xuất hiện một ngôi sao sáng là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đã đỗ thủ khoa cả ba kỳ thi Hương-Hội-Đình.

Sau này Nguyễn Bỉnh Khiêm với tài thao lược và trí tuệ siêu phàm trở thành quân sư cho nhiều đời vua chúa sau đó. Ngài cũng là một trong 8 vị Đại khoa được tôn thờ tại đây, cùng với những cái tên lừng lẫy như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu và Nguyễn Thị Duệ. Mỗi cuộc đời của 8 vị Đại khoa là một sự nghiệp tráng lệ, nổi danh với nhiều công trạng trong công cuộc xây dựng đất nước và sự nghiệp chiến đấu bảo vệ non sông. Họ đều là những tài năng lỗi lạc một thời và trở thành vị thánh hiền bất tử của miền đất Hải Dương.

Văn miếu và trường thi trấn Hải Dương có một lịch sử oanh liệt, nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tú tài và trên 620 tiến sĩ nho học. Đây là con số đứng hàng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ tính theo đơn vị tỉnh/ thành và cũng là thành tựu lớn trong nền giáo dục nước nhà. Văn miếu trấn Hải Dương được xây dựng và bảo tồn ngày một khang trang, nhưng vẫn giữ được nét cơ bản mô hình di sản quý của kiến trúc xưa. Những gương hiếu học và tài năng của đất nước đã tồn tại trụ vững với thời gian.             

Văn Hóa

Tin tức mới nhất