Đảo rác nổi lớn gấp ba lần nước Pháp giữa Thái Bình Dương

Đảo rác nổi lớn gấp ba lần nước Pháp giữa Thái Bình Dương

17-06-2018 23:13 | 0 bình luận
Nghiên cứu mới kết luận đảo rác Thái Bình Dương, nơi mật độ rác thải nhựa trên biển lớn nhất thế giới, tăng gấp ba lần diện tích nước Pháp.

Các nhà nghiên cứu của tổ chức bảo vệ đại dương The Ocean Cleanup phát hiện có ít nhất 79.000 tấn rác thải nhựa trôi nổi ở đảo rác Thái Bình Dương, New Scientist hôm qua đưa tin. Số lượng rác này lớn gấp 4 - 6 lần so với ước tính từ hai nghiên cứu năm 2014.

Đảo rác Thái Bình Dương là khu vực có diện tích 1,6 triệu km2 nằm giữa Hawaii và California, Mỹ. Diện tích đảo rác trên biển này rộng hơn gần ba lần so với nước Pháp (643.801 km2). Những mảnh vụn trôi nổi từ vi hạt nhựa đến các mẩu kích thước lớn hơn như dây thừng và lưới đánh cá bị các dòng hải lưu cuốn đi và tích tụ. Những đảo rác tương tự cũng hình thành trên các đại dương khác.

Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu thông qua khảo sát trên không và lưới kéo bằng tàu, sau đó nhập dữ liệu vào mô hình trên máy tính. Kết quả tính toán chỉ ra mật độ rác thải nhựa ở rìa ngoài đảo là 1 kg/km2 và tăng lên hơn 100 kg/km2 ở gần trung tâm đảo.

Những nghiên cứu trước đây có thể đưa ra ước tính quá thấp so với khối lượng rác thải nhựa thực tế bởi thiếu tính toàn diện. Ví dụ, nguồn dữ liệu chỉ dựa vào quan sát vật nổi lềnh bềnh từ tàu thuyền, thay vì khảo sát trên không. Nhưng nhóm nhà khoa học tiến hành nghiên cứu mới nhất cho biết khối lượng rác thải nhựa thực sự gia tăng.

"Đảo rác Thái Bình Dương đang trở nên ngày càng dày đặc hơn với rác thải nhựa trôi nổi, nhưng không mở rộng về mặt diện tích", Laurent Lebreton, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ tổ chức The Ocean Cleanup ở Delft, Hà Lan, cho biết. Vật thể trôi ra biển từ trận sóng thần năm 2011 ở Tohoku, Nhật Bản, có thể góp phần làm tăng lượng rác thải nhựa. 1/3 trong số những vật thể nhóm nghiên cứu thu thập được có nhãn sản xuất tại Nhật Bản.

Giới nghiên cứu vẫn biết rất ít về tác động của rác thải nhựa đến đời sống ở đại dương nhưng có bằng chứng chỉ ra rác thải nhựa gây hại cho nhiều sinh vật, bao gồm con người. "Rác thải nhựa trôi nổi có thể bị động vật biển tiêu hóa hoặc mắc vào cơ thể chúng, giúp loài xâm hại phân bố khắp các bồn địa dưới đại dương", nhà nghiên cứu Matthew Cole ở Phòng thí nghiệm Hải dương Plymouth ở Anh, nhận định.

Một điều gây khó hiểu cho các nhà nghiên cứu là lượng rác thải nhựa còn lại nằm ở đâu. Con số 79.000 tấn nghe có vẻ nhiều, nhưng theo ước tính về rác thải nhựa trôi nổi bị cuốn ra biển từ đất liền và thải ra từ tàu thuyền, mô hình kết luận có hàng triệu tấn rác chỉ tính riêng ở đảo rác Thái Bình Dương. Các nghiên cứu khác cũng cho kết luận tương tự.

Các giải thích hợp lý nhất là lượng rác thất lạc chìm xuống đáy biển, có thể sau khi bị sinh vật biển ăn và bài tiết, hoặc phân hủy thành những mẩu nhỏ đến mức không thể phát hiện. Một giả thuyết khác là vi khuẩn ở đại dương đang tiến hóa với khả năng phân hủy rác.

Tin tức mới nhất